Tình trạng sức khoẻ đã ổn định

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, các em nhỏ được đưa vào cấp cứu từ tối 19/2 trong tình trạng nghi ngộ độc thuốc diệt chuột. Qua tiếp xúc và người nhà cho biết, mẫu những lọ nước không nhãn mác màu đỏ, các bé tưởng là nước ngọt nên chia nhau uống. Kết quả xét nghiệm cho biết đó là hoá chất diệt chuột.

Sức khoẻ các em được theo dõi và cấp cứu kịp thời hiện đã ổn định. Một cháu lớn nhất 17 tuổi đang theo dõi tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

Theo Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, chất độc bên trong ống thuốc diệt chuột trên (được gia đình thu lại và mang theo cùng các trẻ đến viện) được xét nghiệm xác định là natri fluoroacetate.

Sản phẩm thuốc diệt chuột ở dạng ống dung dịch màu đỏ - Ảnh minh họa: Internet

Được biết, đây chính là loại hóa chất diệt chuột có nguồn gốc từ Trung Quốc phổ biến ở các tỉnh phía Bắc cách đây 10 năm. Sản phẩm thường ở các dạng ống dung dịch màu hồng, đỏ, nâu, trong suốt hoặc gói giấy hạt gạo hồng.

Bác sĩ Nguyên cho biết đây là chất độc đối với hệ tim mạch và thần kinh, độc tính rất cao, chỉ với một lượng rất nhỏ người bị ngộ độc nhanh chóng bị co giật hoặc loạn nhịp tim. Nó trở thành một trong các nguyên nhân gây ngộ độc và tử vong hàng đầu. Do tính nguy hiểm, hóa chất này  đã bị cấm lưu hành ở nước ta và vắng bóng khoảng hơn 10 năm.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyên khoảng 2 năm trở lại đây Trung tâm Chống độc lại gặp trở lại các bệnh nhân ngộ độc natri fluoroacetate nặng và tử vong từ các loại thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường như thế này.

Dấu hiệu ngộ độc thuốc diệt chuột

Biểu hiện của ngộ độc thuốc diệt chuột dạng này, sau khi ăn phải do nhầm lẫn hoặc cố ý, các triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện trong giờ đầu, có thể xuất hiện sớm trong vòng 10 phút, hoặc muộn tới 20 giờ.

Trước tiên về vấn đề tiêu hoá, đây là triệu chứng thường xuất hiện sớm nhất khiến người bệnh có cảm giác buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Triệu chứng về thần kinh cảm giác lo lắng, kích động, cứng cơ, co giật, hôn mê.

Người bệnh xuất hiện những cơn co giật toàn thân, mức độ co giật từ một vài cơn đến co giật liên tục (kiểu trạng thái động kinh). Mức độ co giật phụ thuộc vào bệnh nhân uống nhiều hay ít, lúc đói hay no, có nôn ra hay không.

Người bệnh còn bị co giật nhiều gây ngạt thở, sặc phổi. Ngoài cơn co giật bệnh nhân vẫn tăng phản xạ gân xương và trương lực cơ. Sau đó người bệnh rơi vào trạng thái rối loạn ý thức các mức độ,  từ lẫn lộn đến hôn mê sâu.

Biến chứng muộn sau uống thuốc chuột đó là viêm đa dây thần kinh, yếu cơ, run rẩy, thoái hoá tiểu não.

Uống phải thuốc diệt chuột gây nguy hiểm thậm chí tử vong nhanh - Ảnh minh họa: Internet

Về hô hấp, bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp cấp do co giật liên tục, sặc phổi, nhiễm trùng phổi.  Phù phổi cấp do suy tim cấp hoặc suy hô hấp cấp tiến triển ARDS do tổn thương phổi.

Về tim mạch, người bệnh thấy nhịp xoang nhanh là thường gặp nhất, tụt huyết áp do rối loạn nhịp, viêm cơ tim hay gặp ở loại ống nước không màu.

Nếu không được cấp cứu khẩn trương và điều trị tích cực, bệnh nhân sẽ nhanh chóng chuyển sang giai đoạn sốc không hồi phục, suy hô hấp, nhiễm toan, xuất huyết nặng nề, tổn thương nhiều cơ quan và tử vong trong vòng vài ngày.

Bác sĩ Nguyên cho biết để phòng tránh những trường hợp ngộ độc thuốc diệt chuột đáng tiếc như trên, cần quản lý hóa chất diệt chuột và hoá chất theo quy định, có chỗ để riêng.

Sử dụng đúng quy định đối với các hóa chất bảo vệ thực vật. Đóng gói hóa chất diệt chuột nhỏ (ví dụ phosphua kẽm gói 0,4g). Đặc biệt không đặt bả chuột ở những vị trí trẻ em có thể lấy ăn.