Thay đổi lối sống đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe não bộ.

1. Rèn luyện não bộ

Bộ não con người phản ứng tốt với các tác động mới lạ, phức tạp. Bạn có thể giữ cho bộ não khỏe mạnh bằng cách học các ngôn ngữ mới, đi du lịch đến những miền xa lạ hoặc vẽ tranh, chơi trò chơi trí óc. Điều này giúp tăng cường sự linh hoạt, kích thích sản sinh tế bào mới trong não bộ.

2. Dinh dưỡng

Tiêu thụ cá béo có thể giúp tăng cường năng lượng, cải thiện nhận thức và kỹ năng vận động. Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ làm giảm viêm, điều này rất cần thiết cho sức khỏe não bộ nói riêng và toàn cơ thể nói chung.

Thêm các thực phẩm như quả việt quất, bông cải xanh, sô cô la đen, trứng, cá béo, trà xanh, quả hạch, quả cam, hạt bí ngô, nghệ... vào chế độ ăn uống để tăng cường sức khỏe và trí nhớ.

3. Hoạt động thể chất

Tập thể dục thường xuyên rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.

Các nghiên cứu đã xác định rằng, tập thể dục có thể giúp tăng cường trí nhớ ở mọi người, mọi lứa tuổi. Bởi tập thể dục có thể giúp cơ thể tăng tiết ra các protein bảo vệ thần kinh và cải thiện sự tăng trưởng, phát triển của các tế bào thần kinh, có liên quan đến sức khỏe não tốt hơn.

Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên cũng làm giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ sau này trong cuộc sống.

Ảnh minh họa: Internet

4. Quan hệ xã hội tốt hơn

Việc cô đơn, cô lập khi về già sẽ có tác động tiêu cực đến não. Khi có tuổi, bạn cần phát triển mối quan hệ mạnh mẽ hơn, nhiều hơn với gia đình và bạn bè. Cố gắng giải quyết các tình trạng căng thẳng, nói chuyện với những người bạn mới và tham gia các hoạt động xã hội, giải trí.

5. Cân bằng não bộ

Bộ não con người cũng cần sự cân bằng. Bạn có thể có được điều này bằng cách tham gia học thiền, hoặc tập yoga thường xuyên. Cách này còn có thể giúp giảm căng thẳng và tăng cường cả sự tập trung và trí nhớ.