Mặc dù mọi ông bố bà mẹ đều mong muốn nuôi dạy những đứa trẻ tự tin, nhưng một số hành vi phổ biến của họ có thể vô tình trở thành rào cản cho sự phát triển của trẻ.

Dưới đây là những sai lầm mọi phụ huynh nên tránh để không làm hủy hoại sự tự tin của con trẻ.

1. Quát mắng, lăng mạ trẻ trước đám đông

Hãy tưởng tượng bạn bị la mắng, xúc phạm trước đám đông vì một sai lầm hay thiếu sót. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Xấu hổ, bẽ mặt?

Trẻ em cũng sẽ cảm thấy như vậy. Việc bố mẹ lăng mạ trẻ trước đám đông có thể phá hỏng sự tự tin của trẻ và khiến trẻ do dự không dám mạo hiểm hoặc thử những điều mới.

Thay vào đó, hãy nói chuyện riêng tư để giải quyết vấn đề, bảo vệ lòng tự trọng và xây dựng sự tự tin cho trẻ.

2. So sánh trẻ với người khác

Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc nhất với những điểm mạnh, điểm yếu và tốc độ phát triển riêng.

Việc liên tục so sánh trẻ với anh chị em trong nhà hay bạn cùng lớp hoặc thậm chí là anh em họ có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti và nghi ngờ bản thân.

Hãy ghi nhận những thành tích cá nhân của trẻ và khuyến khích trẻ chấp nhận sự khác biệt của mình, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự tự tin của trẻ.

3. Không cho trẻ thay đổi quyết định

Trẻ em rất hay thay đổi quyết định, từ những quyết định về sở thích, nguyện vọng tương lai hay thậm chí là lựa chọn bữa tối.

Không che phép trẻ thay đổi quyết định là bố mẹ đang kìm hãm tính tự chủ và sự tự tin vào lựa chọn của trẻ.

Thay vào đó, hãy ủng hộ và chấp nhận việc thay đổi quyết định của trẻ, vì đó là cách bố mẹ trao quyền cho con khám phá và khẳng định sở thích một cách tự tin.

4. Không lắng nghe và phản hồi trẻ

Việc bố mẹ gạt bỏ hoặc phớt lờ cảm xúc của trẻ có thể gửi đi thông điệp rằng cảm xúc của trẻ là không được chấp nhận hoặc không quan trọng.

Điều này có thể dẫn đến việc trẻ kìm nén cảm xúc và thiếu nhận thức về bản thân, cản trở sự phát triển của trí thông minh cảm xúc và sự tự tin.

Bố mẹ hãy dành thời gian để lắng nghe với lòng đồng cảm, chấp nhận và ghi nhận cảm xúc của trẻ để giúp trẻ cảm thấy được thấu hiểu và coi trọng, đặt nền tảng cho lòng tự trọng vững vàng.

5. Cấm đoán trẻ thể hiện bản thân

Giao tiếp hiệu quả là chìa khóa để nuôi dưỡng sự tự tin ở trẻ.

Cấm đoán trẻ thể hiện bản thân - bất kể là thông qua câu hỏi, ý kiến hay những nỗ lực sáng tạo - có thể cản trở trẻ mất niềm tin vào bản thân và những ý tưởng của mình.

Bố mẹ nên khuyến khích trẻ trò chuyện cởi mở, tích cực lắng nghe những suy nghĩ và quan điểm của trẻ để tạo cho trẻ cảm giác được trao quyền, được ghi nhận, thúc đẩy sự tự tin của trẻ trong việc thể hiện bản thân một cách chân thực.

(Theo Times of India)