Có ông bà nội/ngoại ở gần hẳn là mong ước của không ít các bậc cha mẹ. Công việc bận rộn khiến họ không có thời gian chăm sóc và trông nom con chu đáo. Việc nhờ được ông bà coi sóc lũ trẻ giúp thật sự là điều chẳng còn gì tuyệt vời và yên tâm hơn. 

Thế nhưng có lẽ ít bậc cha mẹ biết, để ông bà trông cháu trong thời gian dài lại có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với sự phát triển về thể chất, hành vi cũng như sự tăng trưởng tự nhiên của trẻ. Tại sao lại như vậy? 

Trẻ có thể trở nên không nghe lời

Ông bà thường nuông chiều trẻ hơn so với cha mẹ. Thậm chí ông bà còn làm ngược lại với những điều cha mẹ nói và dạy con, cốt chỉ để trẻ vui vẻ. Chính điều đó sẽ phá vỡ mọi kỷ luật mà cha mẹ phải vất vả mãi mới thiết lập được cho trẻ, làm trẻ không còn nghe lời cha mẹ nữa.

Ông bà thường nuông chiều trẻ hơn so với cha mẹ (Ảnh minh họa).

Trẻ có thể không vận động đủ

Trẻ em luôn tràn đầy năng lượng trong cơ thể cũng như tâm hồn. Chúng cần chạy nhảy và chơi đùa để cơ thể phát triển khỏe mạnh. Mà ông bà đã cao tuổi, thường sức khỏe và thể lực không đủ để theo chân trẻ trong những hoạt động ngoài trời.

Chính vì hoạt động thể chất không đủ khiến trẻ cảm thấy không thoải mái, điều đó càng không tốt cho sự tăng trưởng tự nhiên của trẻ.

Trẻ có thể ăn quá nhiều

Ông bà luôn sợ cháu đói và thường cho trẻ ăn quá nhiều trong 1 ngày. Các nghiên cứu gần đây thậm chí còn chỉ ra rằng, trẻ em có nguy cơ bị béo phì, gặp các vấn đề về răng lợi và bệnh tiểu đường do các món ăn của ông bà chúng như kẹo và những đồ ăn nhiều chất béo.

Dẫu biết ông bà nào cũng mong cháu mau lớn và vui vẻ nhưng chính những sự quan tâm thiếu hiểu biết ấy vô hình chung lại gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ.

Ông bà luôn sợ cháu đói và thường cho trẻ ăn quá nhiều trong 1 ngày (Ảnh minh họa).

Trẻ có thể phát triển các kỹ năng xã hội kém

Khi trẻ dành nhiều thời gian ở cạnh ông bà, chúng sẽ ít kết bạn với những đứa trẻ khác. Dần dà chúng có xu hướng ngại giao tiếp và mở rộng các mối quan hệ xung quanh, chỉ cảm thấy an toàn, thoải mái với các mối quan hệ quen thuộc vốn có của mình. Ngược lại, những đứa trẻ đi học mẫu giáo sẽ ít gặp các vấn đề về giao tiếp, kỹ năng xã hội cũng phát triển tốt hơn.

Cha mẹ có thể sẽ cảm thấy “ghen tuông”

Nếu ông bà làm hết mọi điều cho trẻ, thậm chí còn chiều theo mọi sở thích nhiều khi rất vô lý của chúng thì cuối cùng cha mẹ chính là người phải đóng vai kẻ xấu. Vì khi ở cạnh cha mẹ, chúng sẽ phải tự làm nhiều việc phù hợp với lứa tuổi để rèn tính tự lập. Và cha mẹ cũng chẳng bao giờ chiều chuộng vô tội vạ những đòi hỏi của con mình. 

Để cố gắng lấy lại vị trí của mình trong trái tim con, cha mẹ ắt hẳn sẽ phải đau đầu và lo lắng không ít (Ảnh minh họa).

Khi nhìn đứa con bé bỏng mình dứt ruột sinh ra lại dường như chẳng còn chút cảm tình gì với mình, chỉ muốn ở cạnh ông bà thì cha mẹ nào có thể không chạnh lòng, thậm chí nảy sinh tâm lý “ghen tuông” để cố gắng lấy lại vị trí của mình trong trái tim con, cha mẹ ắt hẳn sẽ phải đau đầu và lo lắng không ít. Nhưng cuối cùng cha mẹ rất có thể sẽ rơi vào mớ bòng bong khi không thể nuông chiều con như ông bà vì e ngại làm trẻ hư. Nhưng họ cũng chẳng thể nghiêm khắc dạy dỗ con như trước vì lo con xa lánh mình, chỉ hướng về ông bà.