Thời tiết thay đổi là lúc trẻ dễ gặp các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Trong đó, viêm họng là căn bệnh thường gặp nhất và không gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của bé. Tuy nhiên, nếu bố mẹ không phát hiện và chữa trị cho con kịp thời thì viêm họng có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm amidan hay phổi bị tổn thương.

Chính vì vậy, bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số thông tin liên quan đến viêm họng để phụ huynh có thể phòng và trị bệnh cho trẻ tốt nhất.

Bệnh viêm họng ở trẻ nhỏ nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Internet

Triệu chứng của bệnh viêm họng

Viêm họng được hiểu là tình trạng viêm (sưng) hoặc nhiễm trùng các mô và cơ cấu trong họng của trẻ. Theo đó, khi mắc bệnh trẻ sẽ có các dấu hiệu như: Đau họng, nhức đầu, hai hạnh nhân to, sần sùi, tiết dịch, hạch ở dưới hàm sưng to và đau. Ngoài ra, còn có một số trường hợp trẻ sẽ bị sốt cao trên 38 độ do viêm họng.

Nguyên nhân gây viêm họng

Tác nhân gây viêm họng ở trẻ phần lớn là virus gây bệnh như: Adeno, rhino, virus cúm, sởi,... hoặc một số vi khuẩn như: Liên cầu, tụ cầu, phế cầu. Ngoài ra, các yếu tố như thời tiết, khí hậu cũng khiến trẻ dễ bị viêm họng.

Trẻ bị viêm họng khi nào nguy hiểm?

Khi trẻ bị viêm họng kèm theo các dấu hiệu như sốt cao hoặc xuất hiện các nốt phát ban trên người thì nên nhanh chóng đưa con đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời. 

Viêm họng cấp diễn biến nhanh và chỉ trong 3 đến 4 ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh viêm họng cấp của bé sau 4 ngày mà vẫn chưa có dấu hiệu giảm, thì khả năng cao là bé mắc phải bệnh viêm họng cấp đã bội nhiễm. Ảnh minh họa: Internet

Cách điều trị viêm họng ở trẻ

Đa số các trường hợp viêm họng và viêm đường hô hấp đều do virus gây nên, do vậy khi bệnh ở mức nhẹ thì bố mẹ có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian để chữa viêm họng ở trẻ như: Gừng, mật ong, chanh và mật ong,... Lúc này, trẻ cũng chưa cần sử dụng thuốc kháng sinh để trị bệnh. 

Ngoài ra, bố mẹ cần đảm bảo một chế độ nghỉ ngơi hợp lý và thư giãn để ngăn ngừa và hạ sốt cho con hiệu quả. Đồng thời, cần đảm bảo cho bé một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng cũng như chế biến cho bé những món ăn nhẹ nhàng. Với trẻ sơ sinh, nếu bé bị viêm họng thì mẹ có thể tăng cường cho con bú để tăng sức đề kháng cho con. 

Phòng tránh viêm họng ở trẻ

Hạn chế cho con đến những nơi đông người và nên đeo khẩu trang, che chắn cẩn thận khi cho bé ra ngoài; đặc biệt vào ngày nắng nóng và quá lạnh.

Vào mùa hè, không nên cho con uống nước đá và ăn đồ lạnh quá nhiều.

Tập cho bé thói quen uống nhiều nước, hoạt động thể dục thể thao, đánh răng sau mỗi bữa ăn, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Không nên cho bé sinh hoạt trong phòng điều hòa quá lạnh.