1. Dấu hiệu nhận biết viêm thanh quản
Theo TS. BS Phạm Thị Bích Thủy, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, viêm thanh quản là bệnh phổ biến ở nhiều đối tượng, cả trẻ em và người lớn. Nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, viêm thanh quản có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Đối với viêm thanh quản cấp ở người lớn thường có dấu hiệu: mệt mỏi, gai rét hoặc ớn lạnh, có thể sốt nhẹ. Tiếng nói khàn hoặc mất tiếng hoàn toàn. Có thể có một số các triệu chứng khác như ho, đau họng, nuốt vướng.

Viêm thanh quản mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc thanh quản tái đi tái lại nhiều lần hoặc quá trình viêm thanh quản kéo dài gây nên. Quá trình này dẫn đến quá sản, loạn sản hoặc teo niêm mạc thanh quản.

Khi bị viêm thanh quản mạn tính, lúc đầu người bệnh thường có biểu hiện: nuốt vướng nhẹ, nói khó, khó cất giọng cao hoặc khó hát. Sau đó, bệnh nhân thấy tiếng khàn dần rồi dần dần mất tiếng. Có thể kèm theo ho có ít đờm vào buổi sáng. Có cảm giác ngứa, cay hoặc rát nhẹ vùng thanh quản...

Viêm thanh quản thường gây đau họng, nuốt vướng, khàn tiếng.

2. Xử trí như thế nào?
Khi có dấu hiệu viêm thanh quản như sốt, ho, khàn tiếng… người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa khám để được hướng dẫn chăm sóc điều trị đúng cách.

Để điều trị viêm thanh quản cấp ở người lớn thường chỉ khí dung tại chỗ bằng các dung dịch thuốc chống viêm hoặc đơn giản dùng tinh dầu như bạc hà… Có thể sử dụng phương pháp bơm thuốc thanh quản bằng các thuốc giảm viêm, giảm phù nề.

Điều trị viêm thanh quản mạn tính bằng các thuốc giảm viêm toàn thân. Kết hợp với chế độ luyện giọng, giảm nói, làm sạch giọng nói, tránh lạnh, giữ ấm cổ. Điều trị kết hợp các ổ viêm nhiễm mũi họng, viêm mũi xoang mạn tính, các bệnh lý trào ngược, bệnh lý toàn thân.

Theo TS. BS Phạm Thị Bích Thủy, người bệnh viêm thanh quản cần chú ý nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Ăn thức ăn mềm, nhiều nước. Tăng cường ăn hoa quả, bổ sung thực phẩm giàu vitamin và vi chất để nâng cao sức đề kháng.

3. Một số thực phẩm nên ăn để giảm đau họng và ho do viêm thanh quản
Khi bị viêm thanh quản, cảm giác khó chịu, đau rát, khó nói, ngứa họng, đau họng… khiến người bệnh luôn mệt mỏi, mất ngủ, ăn không ngon. Vì vậy, bên cạnh việc dùng thuốc chống viêm, giảm phù nề theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh nên lựa chọn một số món ăn giàu dinh dưỡng, giúp làm dịu họng, giảm ho, khàn tiếng hiệu quả.

3.1. Súp gà ấm
 

Ăn súp gà ấm giúp làm dịu cơn đau cổ họng hiệu quả.

Súp gà là món ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, cung cấp nhiều nước và chất điện giải, dễ nuốt, dễ tiêu tốt cho những người bị viêm đường hô hấp, đau họng, sốt…
Súp gà cung cấp vitamin và khoáng chất, calo và protein. Đây là những chất dinh dưỡng rất cần thiết để nâng cao thể trạng, giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn.

Thịt gà cũng chứa axit amin cysteine. N-acetyl-cysteine, một dạng cysteine giúp phá vỡ chất nhầy và có tác dụng kháng virus, chống viêm và chống oxy hóa.

Ăn thức ăn loãng như súp gà giúp cung cấp đủ nước cho cổ họng, chống khô họng và làm loãng chất nhầy, giúp cơ thể dễ dàng đào thải ra ngoài.

3.2. Trứng

Trứng giàu protein giúp cơ thể nhanh hồi phục.

Mặc dù hầu hết những người bị bệnh thường không cảm thấy muốn ăn, đặc biệt là khi bị đau họng nhưng bạn vẫn phải ăn để có đủ calo và dinh dưỡng cho cơ thể. Đặc biệt là protein, một chất dinh dưỡng quan trọng giúp cơ thể phục hồi.

Protein là thành phần thiết yếu hình thành, duy trì, tái tạo cơ thể. Để duy trì một cơ thể khỏe mạnh, tái tạo và phục hồi các tế bào và mô là vô cùng quan trọng. Protein cũng cho phép cơ thể sản xuất các kháng thể mà nó cần để chống lại sự xâm nhập của virus và vi khuẩn.

Bổ sung thực phẩm giàu protein có thể giúp người bệnh bổ sung các chất dinh dưỡng đã bị mất để nhanh hồi phục.

Trứng là một trong những thực phẩm tốt nhất để ăn khi bị viêm thanh quản vì chúng dễ nuốt và chứa nhiều chất dinh dưỡng, nhất là protein. Trong các loại trứng thì trứng gà là nguồn cung cấp protein có giá trị sinh học cao vì chúng cung cấp acid amin thiết yếu mà cơ thể chúng ta không thể tự sản xuất được nhưng lại cần thiết cho sự hình thành protein.

Người bệnh có thể ăn các món canh trứng, súp trứng, cháo trứng… để cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, nhất là protein, chất béo có lợi (bao gồm chất béo không bão hòa đơn và đa), vitamin A, vitamin B2, vitamin B5, vitamin B12, folate, phosphor, selenium...

3.3. Trái cây mọng nước
Trái cây mọng nước là lựa chọn tuyệt vời để cung cấp nước cho dây thanh quản. Trái cây mọng nước cũng giàu vitamin và khoáng chất, giúp chống viêm và tăng cường sức đề kháng.

Người bệnh nên ăn một số loại trái cây có hàm lượng nước cao như: táo, dâu tây, việt quất, dưa hấu, dưa chuột…

3.4. Trà mật ong

Trà mật ong làm dịu kích ứng họng và giảm ho.

Người bị viêm thanh quản nên uống nhiều nước để giữ ẩm cổ họng và phòng nguy cơ mất nước. Uống nhiều nước cũng giúp làm dịu họng, loãng đờm, giảm ho hiệu quả. Nên uống nước lọc, nước canh, nước ép trái cây, trà thảo mộc…

Uống trà thảo mộc ấm với mật ong sẽ làm dịu các triệu chứng của viêm thanh quản. Người bệnh nên uống từ từ ít một nước trà và hít hơi nước ấm. Hơi nước sẽ giúp làm ẩm dây thanh, thông xoang mũi, loãng chất nhầy và giảm tức ngực.

Ngoài ra, mật ong sẽ giúp bao phủ cổ họng, kháng khuẩn làm dịu kích ứng và giảm ho. Uống trà mật ong ấm rất hiệu quả để ngăn chặn cơn ho trước khi đi ngủ.