Chuyện kể rằng, một hôm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dẫn các đệ tử của mình đi đến một vùng quê nhỏ. Sáng sớm hôm ấy, ánh nắng chan hòa, chim muông hót vang, hương thơm dìu dịu. Đức Phật cùng các đệ tử ngồi lại trên thảm cỏ bên bờ sông, cùng ngắm vạn vật đua chen sức sống.

Bỗng có một đệ tử cất tiếng hỏi Đức Phật: “Thưa Đức Thế Tôn, ngài có đầy thần thông và từ bi, cớ sao trên đời vẫn còn quá nhiều chúng sinh chịu khổ vậy?”.

Đức Phật thoáng nhìn người đệ tử, mỉm cười đầy từ bi rồi ôn tồn giảng: “Ta dẫu có thần thông lớn ngần nào nhưng cũng có bốn điều vẫn là không thể làm được”.


Các đệ tử vô cùng băn khoăn: “Thưa Đức Thế Tôn, đó là những việc gì ạ?”.

Đức Phật trầm ngâm một hồi, đoạn nói: “Bốn điều ấy chính là:

NHÂN QUẢ không thể đổi thay, người gieo nhân nào thì gặt quả ấy, không ai có thể nhận thay.

TRÍ TUỆ không thể cho, ai muốn có đều phải tự mình tu học.

PHẬT PHÁP không thể diễn tả, chỉ có thể dựa vào ngộ mà đắc được.

KHÔNG CÓ NHÂN DUYÊN thì không thể độ, người không có duyên thì không bao giờ nghe được những lời ta giảng”.

Các đệ tử nghe xong ai nấy đều bừng ngộ.

Người tin tưởng vào duyên phận, một khi duyên đến sẽ thản nhiên đón nhận, còn khi duyên đi cũng sẽ không cố gắng níu giữ. Từ trong cảnh giới “thuận theo tự nhiên”, họ tìm được sự điềm tĩnh và thản nhiên. Bởi vì họ hiểu rõ, mọi sự đều là tùy duyên mà đến, tùy duyên mà đi, cũng chính là điều mà người ta gọi là mọi sự tùy duyên.

Kỳ thực, trong cuộc đời mỗi người có rất nhiều điều là không thể lý giải. Chính bởi điều này, mà khiến cho con người ta lúc nào cũng tràn đầy suy tưởng. Con người sống trên thế gian dường như là theo sự an bài sẵn vậy! Một người, trong cuộc đời của mình, đến thời điểm nào sẽ gặp ai, sự tình gì đều là đã được định sẵn.

Cổ nhân có câu “Mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lý vô thì mạc cưỡng cầu”, có ý rằng, khi điều gì đó đã được sắp đặt sẵn thì nó sẽ đến đúng thời điểm. Còn nếu điều gì không được sắp đặt trước rồi thì không ai có thể làm nó xảy ra, vậy cần gì phải cố sức để thay đổi nó?