Rau mùi là loại rau gia vị rất phổ biến và hầu như không thể thiếu trong các gian bếp của mỗi gia đình. Dù việc sử dụng rau mùi trong các món ăn không quá nhiều, nhưng lại không thể thiếu khi chế biến.

Thạc sĩ, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung cho biết, nếu cho rằng rau mùi chỉ là một loại gia vị đơn thuần thì đã đánh giá quá thấp loại rau này. Bởi ngoài làm gia vị tạo mùi vị, màu sắc bắt mắt cho món ăn, rau mùi còn là một vị thuốc trong đông y.

Thực tế trong cuộc sống hàng ngày mọi người thường dùng rau mùi non để chế biến các món nộm, cho vào các món canh… Tuy nhiên, toàn thể cây rau mùi mỗi bộ phận đều có một tác dụng riêng, thậm chí rau mùi ra hoa vẫn có tác dụng, dù khi đó chẳng ai dùng để nấu ăn.

Rau mùi không chỉ là loại rau gia vị, mà còn có thể sử dụng tất cả các bộ phận để làm thuốc.

“Thường những ngày cuối năm chúng ta vần dùng lá mùi già để đun nước tắm. Thực tế không chỉ cuối năm, nếu có điều kiện thì đun nước lá mùi già tắm quanh năm rất tốt cho sức khỏe”, lương y Trung chia sẻ.

Rau mùi có vị cay, tính ấm, không độc có tác dụng tiêu thực, lưu thông khí huyết chống mệt mỏi và giải toả căng thẳng thần kinh, phục hồi sức khỏe. Tắm lá mùi già không chỉ cho cơ thể được sạch sẽ, sảng khoái mà còn giúp giải được cảm, chống được cảm cúm.

Người thường hay bị đau nhức nửa đầu, căng thẳng, suy nhược thần kinh, trầm cảm, có thể dùng rau mùi làm dịu cơn đau cơ trong chứng phong thấp, thấp khớp, cơn co rút cơ. Trong hạt mùi có một số hoạt chất sinh học có tác dụng kháng khuẩn, làm sạch da, không bị mẩn ngứa, dị ứng rất tốt cho sức khỏe.

Trong ẩm thực, rau mùi có nhiều chất chống oxy hóa, hàm lượng axit béo omega 3 và omega 6 cao giúp bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh viêm, giảm viêm trong trường hợp nhiễm siêu vi và vi trùng đường hô hấp, tiêu hóa, viêm đường tiểu…

Các vitamin A, C có trong rau mùi có tác dụng hỗ trợ và thúc đẩy hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Rau mùi cũng chứa nhiều chất diệp lục chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm gây ra.

Rau mùi giúp thanh lọc máu và loại bỏ homocysteine, một loại axit amin gây thiệt hại cho các mạch máu và hệ thống tim mạch. Folate có nhiều trong rau mùi làm giảm lượng enzyme có hại cho cơ thể, từ đó ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ.

Đặc biệt, rau mùi là một trong số ít những loại thảo dược được sử dụng để hỗ trợ loại bỏ lượng kim loại nặng, khử độc thủy ngân, nhôm và những chất hại khác. Bạn chỉ cần trộn nước ép rau mùi với bột Chlorella (một loại tảo đơn bào) và sử dụng hàng ngày. Bạn có thể bảo quản hỗn hợp nước uống này trong tủ lạnh.

Lương y Vũ Quốc Trung cũng đặt biệt lưu ý việc sử dụng rau mùi khi nấu ăn, một là không nên nấu quá kỹ loại rau này

Hai là không kết hợp với thực phẩm giàu vitamin K: Theo đó, các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin K như rau cải xoăn, bắp cải, trứng, măng tây… không nên kết hợp với rau mùi vì loại rau này có tác dụng phân hủy các enzym trên cơ thể. Nếu rau mùi và vitamin K được ăn cùng nhau có thể ảnh hưởng đến sự phân hủy và hấp thụ chất dinh dưỡng trong cơ thể, lúc này sẽ ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng của rau mùi.

Không chỉ có vậy, nếu thường xuyên ăn rau mùi với thực phẩm giàu vitamin K dễ sản sinh ra một số hóa chất, lúc này kích thích lượng lớn các tế bào trong cơ thể.

Không nên kết hợp rau mùi với các thực phẩm giàu vitamin K và nội tạng động vật.

Ba là không ăn cùng nội tạng động vật: Một loại thực phẩm khác cũng tuyệt đối không nên kết hợp với rau mùi đó là nội tạng động vật. Nếu ăn rau mùi với nội tạng động vật, rất dễ khiến cơ thể sản xuất các ion đồng và sắt khi đó không chỉ giá trị dinh dưỡng trong thực phẩm bị giảm, mà cơ thể cũng rất dễ xuất hiện tình trạng ngộ độc.

Bốn là hạn chế dùng rau mùi cho các bệnh nhân bị hen phế quản hoặc viêm phổi mãn tính vì có thể gây các phản ứng kích ứng, dị ứng đường thở.

Do đó, vì sức khỏe của bản thân mỗi người, chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến những điều cấm kỵ trong chế độ ăn uống thông thường.