Nếu cha mẹ thường xuyên áp dụng những cách nói dưới đây để giao tiếp với con cái, mối quan hệ cha mẹ - con cái không chỉ được bền chặt mà còn giúp trẻ nâng cao chỉ số EQ.

"Bố mẹ luôn bên con cho dù thế nào"

Đây là câu nói mà bất kể một đứa trẻ nào cũng mong muốn nghe ở bố mẹ mình. Rất nhiều phụ huynh thường chọn cách phản ứng nhanh như than vãn, phàn nàn, thậm chí trách phạt khi trẻ có kết quả học tập không như ý. Nhưng thay vì bực dọc, việc lựa chọn việc ngồi xuống đối thoại cùng con, cùng con tìm giải pháp và đừng bao giờ làm trẻ thấy bị cô đơn hay bỏ rơi trước khó khăn chính là lựa chọn thông minh của cha mẹ. Đây chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc để trẻ vươn lên, vượt khó.

Ảnh minh họa: Internet

"Con hãy tin vào chính bản thân mình"

Cho dù con bạn còn nhỏ, chưa trưởng thành nhưng thái độ luôn tôn trọng con, đặc biệt trong các quyết định là vô cùng quan trọng. Điều này cần sự trao quyền tự lập của bố mẹ cho con. Để từ đó khi trưởng thành, con bạn sẽ chủ động biết quyết định chính những lựa chọn của chúng, không phải chờ đợi bố mẹ chỉ đạo hay đồng ý mới bắt đầu làm. Một phân tích tâm lý cũng cho thấy, khi trẻ được tôn trọng, chúng sẽ lớn lên trong sự trưởng thành hạnh phúc. Đồng thời khi được tôn trọng, trẻ cũng ít nổi loạn hơn, trở nên chín chắn và bình tĩnh hơn trong mọi hành động, suy nghĩ. 

Ảnh minh họa: Internet

 

"Con luôn là đứa con tuyệt vời nhất"

Mỗi một đứa trẻ khi đi học, lớn lên đều có những sắc thái riêng cũng như các kết quả học tập khác nhau. Không phải tất cả các bé đều giỏi, hay đều kém như nhau. 

Trong trường hợp con của bạn có kết quả học tập kém, đừng vội thất vọng, vì trẻ đã phải chịu áp lực kết quả học tập không như ý từ phía bạn bè, thầy cô rồi. Nếu chỗ dựa vững chắc chính là cha mẹ mà còn bị hắt hủi, trẻ sẽ thấy cô đơn, mất phương hướng. Hãy nói với con: "Con luôn là đứa con tuyệt vời nhất của bố mẹ" để trẻ biết rằng, cho dù chúng thế nào, vẫn luôn có bố mẹ ở bên.

"Con hãy giúp mẹ việc này nhé"

Cần để con tham gia vào công việc nhà, thay vì luôn suy nghĩ bọn trẻ đã quá mệt mỏi với việc học rồi, đừng bắt chúng làm gì thêm nữa. Có những việc cha mẹ dư sức làm cho nhanh, cho xong nhưng trẻ rất cần những lời "nhờ vả" như thế này để con và cha mẹ có  thể hiểu được nhau hơn, kết nối với nhau trong việc hoàn thành các công việc trong nhà. Từ đó trẻ sẽ hiểu được ý nghĩa của việc tạo ra một giá trị là như thế nào. Để từ đó biết trân trọng thành quả, công sức lao động của chính mình.