Các y bác sĩ cấp cứu cho một bệnh nhi tại khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Bích Huệ.

Bé Tuấn nằm lọt thỏm giữa chiếc giường rộng. Đọng trên ngón tay bé xíu là những vệt máu đỏ do xuất huyết niêm mạc, một biểu hiện thường gặp khi mắc sốt xuất huyết nặng.

Đứa trẻ mới 2 tuổi, giương đôi mắt ươn ướt, nhìn các bác sĩ, điều dưỡng tất bật lấy ven, kiểm tra máy thở. Nét tươi tỉnh đã dần trở lại khuôn mặt non nớt sau gần 3 ngày chiến đấu với "tử thần".

Chuyển thẳng vào ICU khi vừa nhập viện

-May mắn là gia đình đưa cháu đến viện kịp thời. Bé rất ngoan và hợp tác, đó là chìa khóa để điều trị thành công. Nếu sức khỏe ổn định thì có thể chiều nay sẽ chuyển cháu đến khoa Sốt xuất huyết để theo dõi thêm.

- Cảm ơn bác sĩ rất nhiều! Gia đình cứ sợ con vào chỗ lạ sẽ hoảng loạn nhưng may mắn là bé ngoan.

Chị Hoàng Thị Huệ (38 tuổi, quận 12) thở phào, sự lo lắng trên khuôn mặt dần tan đi sau cuộc trò chuyện với của PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1.

Kể từ ngày băng ca của đứa con trai út được đẩy vào khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, chị Huệ vẫn chưa được gặp mặt con. Cả hai vợ chồng chỉ biết quanh quẩn ở sảnh bệnh viện, ruột gan nóng như lửa đốt bất kể ngày đêm chờ tin.

Bác sĩ Phạm Văn Quang thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Duy Hiệu.

Chồng làm nghề buôn bán, chị Huệ kiếm tiền từ việc chạy xe ôm công nghệ, thu nhập chật vật so với gia đình 4 miệng ăn. Vừa tròn 2 tuổi, bé Tuấn đã được gửi đến nhà trẻ để ba mẹ chuyên tâm đi làm.

Chẳng biết từ bao giờ, căn bệnh sốt xuất huyết đã âm thầm len lỏi vào cơ thể vốn yếu ớt của em. Đứa trẻ sốt cao liên tục, bao nhiêu thuốc men cũng chẳng có tác dụng. Sau 3 ngày sốt cao không đỡ, gia đình hớt hải bồng con đến phòng khám tư nhân để điều trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm.

Sốt ruột, vợ chồng chị Huệ lại đèo nhau đưa con từ quận 12 đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Lúc này, đứa bé gần như lã đi, chẳng thể tìm thấy mạch.

Chị Huệ lặng người ngay khoảnh khắc nhìn bác sĩ đưa con trai vào thẳng phòng Cấp cứu, sau đó chuyển đến khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc với tình trạng sốc sốt xuất huyết, trụy mạch. Chị cũng không gặp con từ đấy.

“Từ nhỏ bé chưa từng xa mẹ, đến giờ vẫn còn bú mẹ. Mong là con sớm khỏi bệnh để cả gia đình trở về nhịp sống bình thường”, người phụ nữ nói, mắt liên tục ngoái nhìn về căn phòng trắng toát, nơi con trai nhỏ của chị cùng vài chục đứa trẻ khác đang nằm thở máy.

Ngón tay bị xuất huyết niêm mạc của bé Tuấn. Ảnh: Kỳ Duyên.

Không chủ quan với hai bệnh lý nguy hiểm

Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết trường hợp của bé Tuấn được phân loại bệnh cảnh nặng do bệnh nhi còn nhỏ tuổi và tốc độ thất thoát sốt xuất huyết nhanh.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã gấp rút truyền dịch, truyền điện giải và cao phân tử cho em. Trong quá trình điều trị, bệnh nhi xuất hiện tình trạng suy hô hấp, được chỉ định thở CPAP (thở áp lực dương liên tục) để hỗ trợ hô hấp.

Sau 36 giờ tích cực điều trị, đứa trẻ 2 tuổi đã qua giai đoạn nguy kịch. Hiện tuần hoàn và hô hấp của em ổn định, đã được chuyển sang thở oxy.

Bác sĩ Quang nhấn mạnh song song với bệnh sởi, hiện nay, phụ huynh cần lưu ý hai bệnh truyền nhiễm không kém phần nguy hiểm khác là sốt xuất huyết và tay chân miệng.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, cũng là điều kiện cho bệnh sốt xuất huyết lưu hành quanh năm, đặc biệt vào mùa mưa. Chính vì thế, khi thấy trẻ bắt đầu có dấu hiệu sốt cao trên 3 ngày, phụ huynh cần nghĩ ngay đến sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, nhiều trẻ sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo nặng như đau bụng nhiều, nôn ói, tay chân lạnh, tiểu ít, lừ đừ, xuất huyết tiêu hóa, cha mẹ cần lập tức đưa con đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, việc điều trị thường khả quan hơn.

Bác sĩ Quang khuyến cáo người dân cần tuân thủ một số nguyên tắc an toàn như thường xuyên phát quang, vệ sinh môi trường sống, diệt muỗi, diệt lăng quăng và hạn chế để muỗi đốt để phòng chống sốt xuất huyết.

“Hiện nay, chúng ta có thêm một ‘vũ khí’ phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết mới chính là vaccine sốt xuất huyết. Trẻ từ 4 tuổi trở lên nên được tiêm vaccine và tiêm 2 mũi theo đúng phác đồ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng để đảm bảo an toàn cho trẻ”, bác sĩ Quang chia sẻ.

Tin liên quan