Ấp Tân Lập một ấp thuộc vùng sâu, vùng xa của xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Cuộc sống của những người dân nơi đây vẫn còn nhiều khốn khó. Đối với nhiều gia đình ở đây, mưu sinh cả ngày cũng chưa đủ miếng ăn cho cả gia đình, khi cơm ăn còn không đủ, thì nói gì đến chuyện học hành của con cái. Nhiều em nhỏ, mới 7, 8 tuổi đã phải đi làm cùng bố mẹ để kiếm miếng cơm manh áo.

Lớp học đơn sơ nhưng đầy ắp tình người của vợ chồng ông Phê

 Nhìn những đứa trẻ thất học, ông Huỳnh Văn Phê (80 tuổi) và và Huỳnh Thị Lành (82 tuổi) không khỏi buồn lòng. Thương các em nhỏ, ông bà quyết định mở lớp học dạy chữ cho những đứa trẻ nơi đây. ‘Thiết nghĩ không chỉ dạy chúng con chữ mà còn dạy chúng cách làm người, cách lớn lên có ích’ - ông Phê chia sẻ.

 Chia sẻ trên một chương trình truyền hình vì lý do quyết định mở lớp học, ông Tư cho biết trước đó ông từng phải bình dân học vụ suốt 5 năm để xóa mù chữ. Ông thấu hiểu nỗi khổ của việc không biết chữ và bàn với vợ bỏ tiền túi để khăn gói lên Bình Dương mở lớp dạy học.

Lớp học tình thường giống như 'đứa con tinh thần' để hai vợ chồng già dành hết tâm huyết suốt bao năm qua

Để có lớp học, ông bà Tư đã dành cả căn chòi ọp ẹp của mình để đầu tư. Ngày ngày hai ông bà Tư Phê thay nhau đi xin từng miếng ván, khúc gỗ về mua đinh, mua cưa, búa tự đóng bàn ghế để có chỗ cho các cháu ngồi, có nơi để các cháu viết. Không có tập vở, phấn viết và sách giáo khoa, ông bà Tư Phê đã trích mỗi người mỗi tháng 150.000 đồng trong số tiền lương ít ỏi của mình để mua. Lúc đầu, lớp học tình thương chỉ có vài ba cháu sau đông dần, 20 rồi 30, 40 cháu.

 Để đỡ đần cho vợ chồng ông giáo già, mỗi phụ huynh tự nguyện đóng mỗi tháng 15.000 đồng, nhưng có những gia đình hoàn cảnh khó khăn ông bà Tư nhất định không nhận tiền của họ.

Ông Phê thấu hiểu được nỗi khổ của những người mù chữ

 

Thời gian đầu khi quyết định lên Bình Dương mở lớp, ông bà đều gặp rất nhiều khó khăn

 Trải qua 30 năm thầm lặng với công việc tình nguyện ‘gõ đầu trẻ’, vợ chồng ông Tư đã gặp không ít những gian truân khi cả gia đình cùng 6 đứa con phải trông cậy vào số tiền lương bảo vệ ít ỏi của ông. Nhưng chưa bao giờ vợ chồng ông than vãn một lời và ngưng ý định dạy học cho các em, nay tóc đã bạc, sức khỏe yếu dần nhưng ông bà vẫn kiên trì bám lớp và gắng duy trì lớp học tình thương này cho đến khi không còn sức lực nữa mới thôi.

Vợ chồng ông Tư mở lớp học tình thương từ khi con cái chưa lập gia đình. Đến nay, khi con của ông bà đã thành gia lập thất, họ nhiều lần khuyên ông bà về quê an dưỡng tuổi già. Tuy nhiên, vì mang trong mình khao khát được dạy các em nhỏ nghèo con chữ nên vẫn quyết bám trụ với mảnh đất Bình Dương, duy trì lớp học tình thương đầy ý nghĩa này.

Ngoài những bài học chữ, các em cũng được ông bà Tư dạy cho những bài học về đạo đức, cách làm người. 

Trong suốt quãng thời gian lặng lẽ làm những người đưa đò thầm lặng, những em nhỏ ở lớp học chưa lần nào gọi một tiếng thầy, các em gọi ông Tư, bà Tư bằng tên gọi trìu mến, thân thương. Lớp học với các em như một gia đình vậy, cũng từ lớp học tình thương này, nhiều em học sinh của lớp đã ra trường và tìm được công việc làm cho bản thân. Thành quả này là niềm vui và hạnh phúc lớn nhất mà của vợ chồng ông Phê đã theo đuổi suốt gần 30 năm qua.