Những người có nguy cơ cao hoặc có tiền sử gia đình bị ung thư đường tiêu hóa nên đến cơ sở y tế uy tín để được khám sàng lọc định kỳ. Ảnh: Phys.

Bệnh nhân là P.V.H. (65 tuổi, trú tại phường Hồng Gai, TP Hạ Long, Quảng Ninh) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh do gần đây rối loạn đại tiện, kèm đầy hơi chướng bụng, ăn uống không ngon miệng.

Nhờ 3 biểu hiện lạ này, khi đến khám bệnh và được nội soi đại trực tràng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối u lan tỏa trực tràng kèm polyp đại tràng. Sau hội chẩn, các bác sĩ cũng chỉ định cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi (ESD) để loại trừ tổn thương nhằm tránh khối u tiến triển to, gây nguy hiểm cho người bệnh về sau.

Cận cảnh khối u trực tràng của bệnh nhân H. qua nội soi. Ảnh: BVCC.

Kíp nội soi can thiệp do bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Vĩnh, Phó khoa Thăm dò chức năng, cùng các cộng sự cắt tách dưới niêm mạc khối u trực tràng. Các chuyên gia đã dùng dao cắt trọn vẹn khối u kích thước 2 cm ra khỏi trực tràng và gửi giải phẫu bệnh.

Sau một giờ, toàn bộ khối u được cắt tách ra ngoài thành công. May mắn, kết quả giải phẫu bệnh khẳng định là u tuyến ống loạn sản độ thấp, diện cắt không còn tổ chức u. Người bệnh ăn uống tốt ngay sau can thiệp, sức khỏe ổn định và được xuất viện trong thời gian ngắn.

Theo bác sĩ Vĩnh, ở giai đoạn ung thư còn sớm hoặc tiền ung thư, phương pháp nội soi cho phép chữa khỏi hoàn toàn mà không phải phẫu thuật cắt đoạn đại tràng và điều trị bổ trợ bằng hóa chất hoặc tia xạ. Đây là một tiến bộ quan trọng trong điều trị ung thư đường tiêu hóa giai đoạn sớm hiện nay.

Dù được điều trị thành công, ông H. vẫn cần nội soi kiểm tra định kỳ 6-12 tháng/lần để phòng trường hợp khối u tái phát hoặc xuất hiện u mới.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng khuyến cáo những người có nguy cơ cao hoặc có tiền sử gia đình bị ung thư đường tiêu hóa nên đến cơ sở y tế uy tín để được khám sàng lọc định kỳ, giúp phát hiện sớm bệnh và điều trị bằng phương pháp nội soi nhẹ nhàng.