3 cách nấu lẩu gà ớt hiểm ấm lòng mùa đông
Lẩu gà là một trong những món ăn được rất nhiều người yêu thích vì sự thơm ngon, hấp dẫn. Có nhiều cách kết hợp khác nhau tạo ra sự đa dạng của món lẩu gà như lẩu gà lá é, lẩu gà lá giang, lẩu gà ớt hiểm, lẩu gà thập cẩm, lẩu gà riêu cua,… Trong đó, lẩu gà ớt hiểm có nguồn gốc từ miền tây sông nước, có hương vị đặc trưng khiến nhiều người yêu thích. Hiện nay, món lẩu gà ớt hiểm được phổ biến rộng rãi ở nhiều địa phương và được nhiều người săn lùng công thức chế biến.
Đặc điểm nổi bật của món lẩu gà ớt hiểm chính là nước lẩu có mùi vị thơm ngon, không quá cay, không quá nồng, ăn kèm với rau húng quế, tạo nên một chất rất riêng, không lẫn vào đâu được.
Lẩu gà ớt hiểm là món ăn thích hợp với mọi mùa, bởi vậy, lúc nào bạn cũng có thể xắn tay vào bếp, trổ tài, dưới đây là những cách nấu lẩu gà ớt hiểm mà bạn có thể áp dụng để chiêu đãi bản thân cùng với những người thương yêu.
I. Cách nấu lẩu gà ớt hiểm đơn giản
1.1. Nguyên liệu
+ Gà ta: 1 con (nặng khoảng 1 – 1,5 kg)
+ Nấm đông cô: 200 gram
+ Ớt hiểm xanh: 40 gram (Lượng ớt hiểm có thể tăng giảm theo khẩu vị ăn cay của bạn và gia đình)
+ Kỷ tử: 20 gram
+ Hành tím: 2 củ
+ Tỏi khô: 1 củ
+ Củ cải trắng: 1 củ
+ Hành tây: 1/2 củ
+ Sả: 4 cây
+ Nước dừa tươi: 500ml
+ Bún tươi hoặc mì: tùy theo số lượng người ăn.
+ Các gia vị thường dùng: nước mắm, muối, đường, bột ngọt, hạt nêm, dầu ăn,…
+ Các loại rau ăn kèm: nấm tuyết, tần ô, cải thảo, cải bẹ xanh, xà lách xoong, mồng tơi… (tùy vào sở thích của người dùng)
1.2. Các bước tiến hành
Bước 1: Sơ chế gà và các loại rau củ, nấm ăn kèm
+ Gà ta mua về chà muối, rửa sạch, để ráo, chặt thành từng miếng vừa ăn. Thịt gà ta khi nấu sẽ dai, ngon hơn thịt gà công nghiệp. Không nên chọn gà quá già hoặc quá ngon, sẽ làm giảm hương vị của món ăn.
+ Hành tím lột vỏ, đập dập, băm nhỏ.
+ Tỏi khô lột vỏ, đập dập, băm nhỏ.
+ Ớt hiểm xanh rửa sạch, để ráo. Nên chọn ớt hiểm non, tươi, có màu xanh sáng.
Lấy 5, 7 quả ớt hiểm cho vào cối cùng với một muỗng muối hột, giã nhuyễn. Trộn đều hỗn hợp muối ớt cùng với 1 muỗng bột ngọt, 1 muỗng hành tím và tỏi băm, cho thịt gà vào, tiếp tục trộn đều, ướp thịt trong khoảng 15 – 20 phút để thịt gà ngấm đều gia vị.
+ Kỉ tử rửa sạch
+ Hành tây lột vỏ, rửa sạch, cắt múi cau.
+ Nấm đông cô luộc sơ, cắt bỏ chân, rửa sạch, để ráo nước.
+ Củ cải trắng gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng vừa ăn.
+ Sả rửa sạch, bỏ phần lá già, cắt khúc, đập dập.
+ Các loại rau, nấm ăn kèm lặt bỏ gốc, rửa sạch, cắt miếng vừa ăn rồi để ráo.
Bước 2: Chiên gà, sả và hành tây
Bắc chảo lên bếp, cho vào chảo một lượng dầu vừa đủ, khi dầu nóng, cho hành tây vào chiên sơ. Dùng hành tây đã chiên sơ nấu chung với nước lẩu sẽ giúp nước dùng ngọt hơn.
Cho sả vào chiên vàng rồi vớt ra.
Cho thịt gà vào chiên đến khi thịt săn và vàng đều các mặt. Chiên thịt gà bằng dầu ăn đã chiên qua sả giúp cho thịt gà có mùi vị thơm ngon hơn.
Bước 3: Tiến hành nấu lẩu
Bắc một nồi lớn lên bếp, cho vào nồi 500ml nước dừa và 1 lít nước lọc cùng với hành tây, sả, thịt gà đã chiên.
Nêm 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 2 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê bột ngọt và 2 muỗng canh nước tương. Khi nêm nếm, bạn có thể thêm muối hoặc hạt nêm, không nên cho nước mắm vào sẽ làm món ăn có vị chua và hơi chát khi ăn.
Đợi nước sôi, nấu thêm 5 – 7 phút nữa cho thịt gà mềm, rồi thêm ớt hiểm, nấm đông cô, củ cải trắng, kỉ tử vào nấu. Sau vài phút khi thì tắt bếp. Nếu bạn muốn nồi lẩu của mình có vị cay đậm thì băm hoặc cắt nhỏ ớt ra, còn nếu bạn chỉ muốn nồi lẩu có vị cay nhẹ và thơm nồng thì tốt nhất để nguyên trái và cuống ớt khi nấu, không nấu quá lâu, tránh làm rụng cuống sẽ khiến nước lẩu rất cay.
Trong quá trình nấu, thường xuyên vớt bọt để nước lẩu trong và ngon hơn.
1.3. Thành phẩm và thưởng thức
Cho thịt gà và nước dùng qua nồi lẩu chuyên dùng, bày các loại rau ăn kèm, bún tươi hoặc mì và chén nước chấm bên cạnh. Khi ăn vớt thịt gà ra xé miếng vừa ăn và nhúng rau vào.
Tùy sở thích của từng người mà có thể dùng các loại rau ăn kèm phù hợp.
Đặc biệt, món lẩu gà ớt hiểm thơm ngon nhất và ít cay hơn khi ăn nóng nên hãy thưởng thức ngay khi vừa nước lẩu còn nóng.
II. Cách nấu lẩu gà ớt hiểm chuẩn vị miền tây
2.1. Nguyên liệu
+ Gà ta: 1 con (khoảng 1,2 kg– 1,5 kg)
+ Ớt hiểm xanh: 100 gram (tùy khẩu vị gia đình ăn cay nhiều hay ít mà có thể thơm bớt lượng ớt cho phù hợp)
+ Dừa tươi: 1 trái
+ Rau húng quế: 300 gram
+ Bún tươi: 0,5 kg – 1 kg (tùy số lượng người ăn)
+ Hành tím khô, chanh, sả
+ Gia vị: nước mắm, muối, đường, hạt nêm, dầu ăn,…
+ Rau ăn kèm: tần ô, các loại nấm,… (tuy nhiên món lẩu gà ớt hiểm đúng vị nhất vẫn là ăn kèm với rau húng quế)
2.2. Cách nấu lẩu gà ớt hiểm
Bước 1: Sơ chế thịt gà
Thịt gà nên chọn gà ta, không nên chọn gà quá non vì thịt nhanh nát và có mùi tanh, cũng không nên chọn gà quá già vì thịt dai, khô, ít ngọt, xương cứng. Gà ngon nhất là gà tơ vì loại này thịt ngọt và mềm vừa phải, thích hợp cho việc nhúng lẩu.
Thịt gà sau khi làm sạch lông thì dùng muối chà xát toàn thân để khử khuẩn và khử mùi, sau đó rửa lại thật sạch với nước và để ráo.
Sau khi gà ráo nước, dùng dao chặt gà thành những miếng vừa ăn. Không nên chặt miếng quá to vì thịt gà sẽ lâu chín, cũng không nên chặt miếng quá nhỏ vì như vậy thịt gà sẽ nhanh nát và khô nước trong quá trình ncho vào nồi lẩu để nấu. Xếp thịt gà lên đĩa, dùng màn bọc thực phẩm bọc kín lại để thịt không khô cũng như giữ vệ sinh trong quá trình ta thực hiện những công đoạn khác. Cho đĩa thịt vào trong ngăn mát tủ lạnh, chờ nấu nước dùng và sơ chế các nguyên liệu khác xong thì mang ra thưởng thức.
Lưu ý: thịt gà dùng để cho vào nước lẩu nên không cần tẩm ướp gia vị để giữ nguyên được vị thơm ngon nguyên bản của thịt gà.
Phần chân, cổ và xương sống của gà dùng để nấu nước dùng, giúp món lẩu gà ớt hiểm thơm ngon, đậm vị gà.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
Hành khô bỏ vỏ, rửa sạch với nước, nếu củ to thì cắt đôi, củ nhỏ thì để nguyên, không băm nhỏ.
Ớt hiểm xanh lặt bỏ cuống, rửa sạch.
Củ sả bỏ phần vỏ già bên ngoài, rửa sạch, cắt khúc, đập dập.
Chanh vắt lấy nước cốt, lọc bỏ hạt.
Rau húng quế lặt bỏ những lá già, úng, dập rồi đam ngâm với nước muối loãng khoảng 15 phút, sau đó rửa lại nhiều lần với nước sạch, cho ra rổ để ráo, đợi dùng để nhúng lẩu.
Những loại rau, nấm dùng để ăn kèm khác cũng đem lặt, rửa sạch rồi để ráo.
Dừa tươi chặt lấy nước.
Bước 3: Nấu nước lẩu gà ớt hiểm
Bắc nồi lên bếp, cho vào đó một lượng nước vừa phải (khoảng 1 tô nước lớn), đun sôi.
Khi nước đã sôi, cho sả đã đập dập, hành tím khô, nước dừa tươi vào nồi. Để phần nước lẩu gà ớt hiểm thơm ngon hơn, ta cho chân, cổ và xương gà vào nấu cùng. Tiếp tục đun sôi khoảng 25 - 30 phút để xương mềm và ngọt nước. Khi xương gà bắt đầu mềm thì tắt bếp. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng, cho ½ phần nước cốt chanh đã vắt khi nãy vào. Nêm nếm lại lần nữa để nước lẩu đạt độ chua vừa phải, hợp với khẩu vị gia đình.
Việc cho nước cốt chanh vào nồi nước lẩu gà ớt hiểm khiến nước lẩu thơm ngon hơn và có mùi vị tươi mới đặc biệt.
Xong xuôi, cho nước lẩu vào nồi lẩu chuyên dụng để chuẩn bị ăn.
Bước 4: Làm nước chấm thịt gà
Tuy thịt gà được nhúng với nước lẩu vừa miệng nhưng nước chấm là một phần không thể thiếu giúp tăng thêm hương vị đậm đà của món ăn.
Để tiết kiệm thời gian, ta có thể làm phần nước chấm này trong quá trình ninh xương nấu nước lẩu.
Cho vào cối 1 muỗng muối hột, 5 trái ớt hiểm xanh, dùng chày giã dập rồi cho ra chén. Cho thêm vào chén 1 muỗng đường, 1 muỗng nước cốt chanh, khuấy đều cho tan muối và đường. Nước chấm làm từ muối tuy đơn giản nhưng lại tăng hương vị hấp dẫn của thịt gà lên rất nhiều lần.
2.3. Thành phẩm và thưởng thức
Cho lượng nước dùng vừa đủ vào nồi nấu lẩu chuyên dụng, lưu ý, không nên cho quá nhiều nước vào nồi vì còn cho gà và các loại rau nhúng ăn kèm vào, nếu cho nước đầy quá thì khi nồi lẩu sôi, nước sẽ bị tràn.
Bật bếp đun cho nước lẩu sôi lại lần nữa, khi nước sôi, cho ớt hiểm vào. Lưu ý: cho ớt đã bỏ cuốn và còn nguyên quả vào nước lẩu, không cắt nhỏ ra để nước lẩu có vị cay nhẹ, không quá cay cũng không quá nồng để hợp với khẩu vị của nhiều người. Nếu thích ăn cay hơn thì có thể cắt 1, 2 quả ra.
Lúc này, cho thịt gà vào nồi nước lẩu. Khi thịt gà chín và nước lẩu sôi lại lần nữa thì nhúng rau húng quế và các loại rau, nấm ăn kèm khác để thưởng thức theo ý thích của mình.
Lẩu gà ớt hiểm hợp nhất khi ăn với bún tươi.
Nước lẩu gà ớt hiểm thơm ngon, không quá cay, không quá nồng, hòa quyện cùng với nước dừa tươi và nước ninh từ xương gà ngọt thanh vô cùng hấp dẫn. Thịt gà mềm, thơm, vừa chín tới, hơi cay, kết hợp với các loại rau ăn kèm, đặc biệt là húng quế, tạo nên một sự lạ miệng, ngon khó cưỡng.
III. Cách nấu lẩu gà ớt hiểm biến tấu lạ miệng
3.1. Nguyên liệu làm lẩu gà ớt hiểm cho 5 người ăn
+ Gà ta: 1 con (khoảng 1.7kg - 2kg)
+ Ớt hiểm xanh: 150 gram
+ Nấm đông cô khô: 100 gram
+ Táo đỏ: 100 gram
+ Kỷ tử 50 gram
+ Củ sen 200 gram
+ Nước dừa tươi: 1 lít
+ Hành tím băm nhỏ: 1 muỗng canh
+ Sả: 2 cây
+ Gừng: 1 củ
+ Rau ăn kèm: tần ô, cải xanh, cải thảo,... (tùy vào sở thích từng người)
+ Bún tươi hoặc mì tươi: 500 gram
+ Dầu ăn: 50 ml
+ Nước tương: 2 muỗng canh
+ Gia vị thông dụng: muối, tiêu xay, bột nêm, đường, bột ngọt,…
3.2. Cách chế biến lẩu gà tiềm ớt hiểm
Bước 1: Sơ chế và chiên gà
Để món lẩu được ngon thì bạn nên chọn những miếng gà có màu vàng nhạt, tươi sáng, bề mặt khô ráo, khi dùng tay ấn vào có thể cảm nhận được độ đàn hồi thì đó là thịt tươi, mới. Không nên mua những miếng thịt mềm nhũn, màu sắc trắng bệch hoặc màu hơi tái vì có thể đã bị xử lý hóa chất hoặc được để lâu ngày.
Gà mua về rửa với nước muối pha loãng nhiều lần, cắt con gà ra làm tư, rửa lại với nước sạch và để ráo.
Sau đó cho gà vào thau cùng với 2 muỗng canh nước tương, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê tiêu xay, 1 muỗng canh hành tím băm nhỏ. Trộn đều cho gà thấm gia vị.
Để thịt gà nghỉ trong khoảng 45 - 60 phút cho gia vị thấm đều.
Bắc chảo lên bếp, cho 50ml dầu ăn vào, đợi dầu nóng, cho gà đã ướp vào chiên sơ với lửa nhỏ khoảng 7 – 10 phút đến khi thịt săn và lớp da bên ngoài vàng đều là đạt.
Bước 2: Sơ chế nguyên liệu
Nấm đông cô mua về đem ngâm với nước khoảng 30 phút cho mềm, sau đó cắt bỏ chân, rửa sạch, để ráo.
Kỷ tử và táo đỏ bạn rửa sạch rồi cũng ngâm ngập nước trong khoảng 30 phút, rửa lại 1 lần nước rồi để ráo.
Gừng cạo vỏ cắt mỏng.
Sả bỏ lớp vỏ ngoài, cắt khúc, đập dập.
Ớt hiểm nên chọn những trái còn nguyên cuống, thân căng và bóng, màu sắc tươi sáng, không xuất hiện những đốm đen, không nên chọn những quả ớt bị héo, có đốm nâu hoặc đã rụng khỏi cuống vì đây là ớt hiểm đã để lâu.
Ớt hiểm rửa sạch, nếu bạn muốn nồi lẩu của mình có vị cay đậm thì băm hoặc cắt nhỏ ớt ra, còn nếu bạn chỉ muốn nồi lẩu có vị cay nhẹ và thơm nồng thì tốt nhất để nguyên trái và cuống ớt khi nấu.
Rau ăn kèm như tần ô, cải xanh, cải thảo,... lặt sạch, đem đi rửa và để ráo nước.
Củ sen gọt bỏ vỏ rồi ngâm nước cho sạch sau đó cắt khúc dày 0,5 – 1 cm.
Bước 3: Nấu lẩu gà ớt hiểm
Bắc nồi lên bếp, cho 1 lít nước dừa với 2 lít nước lọc vào đun sôi với lửa lớn. Khi nước sôi, vặn lửa vừa, cho gà đã chiên sơ vào nấu
Nấu gà khoảng 20 phút thì nước sôi lăn tăn, sau đó bạn cho phần táo đỏ, kỷ tử, nấm đông cô, gừng, sả và ớt hiểm vô, nấu tiếp 15 - 20 phút với lửa lớn.
Nêm nếm vào 1 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê đường và khuấy cho tan đều.
Nêm nếm gia vị lại vừa ăn, nấu thêm 30 phút cho gà mềm, thấm đều gia vị rồi cho ra nồi lẩu chuyên dụng là xong.
3.3. Thành phẩm
Lẩu gà tiềm ớt hiểm dùng nóng với bún tươi hoặc mì tươi cùng với các loại rau và nấm tạo nên hương vị hấp dẫn khó cưỡng.
Với những cách nấu lẩu gà ớt hiểm ngon tuyệt nhưng lại đơn giản trên, chúng tôi hy vọng bạn sẽ có thêm món mới để chiêu đãi mọi người vào những ngày đông se se lạnh.
Không ngờ ăn quả lựu thường xuyên lại mang đến 4 công dụng tuyệt vời này cho sức khỏe
Quả lựu có vị ngọt, thơm và có chứa nhiều hợp chất từ thực vật rất tốt cho sức khỏe,...
Đậu rồng, loại quả rẻ tiền chứa protein chất lượng cao, nhưng 3 nhóm người này thì nên tránh xa
Đậu rồng là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, nên thêm vào thực đơn ăn...
Ăn nhiều trứng có gây hại cho tim?
Khi ăn trứng, điều quan trọng là phải chú ý đến các loại thực phẩm sử dụng cùng có tốt...
3 món canh rất tốt cho người bị táo bón
Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng và chất xơ có hiệu quả trong việc điều trị bệnh táo bón.