Số lượng đến vì vấn đề xã hội như chưa muốn kết hôn, không có ý định kết hôn, người trẻ chủ động trữ trứng, tăng trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Trịnh Thị Ngọc Yến, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết hiện nay, một xu hướng chung là mọi người đều rất quan tâm đến sức khỏe sinh sản, đặc biệt ở phụ nữ.
Trong giai đoạn hiện nay, xu thế vô sinh đang trẻ hóa dần. Riêng năm 2023, tại đơn vị này, các bác sĩ đã thực hiện hơn 300 chu kỳ chọc hút trữ trứng.
Nhiều người trẻ chọn trữ đông trứng
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, cho hay các trường hợp đến để trữ trứng thuộc 2 nhóm. Nhóm lý do y tế như muốn bảo tồn khả năng sinh sản trước khi điều trị ung thư, chưa có tinh trùng để thụ tinh hoặc cần gom noãn tích lũy và nhóm vì các vấn đề xã hội.
Trong đó, số lượng người đến vì các vấn đề xã hội như chưa muốn kết hôn, không có ý định kết hôn, người trẻ chủ động đến để trữ trứng, tăng trong khoảng 3 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, các trường hợp trước khi chuyển giới cũng tìm tới để trữ đông trứng.
"Chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp trẻ tuổi, khi đi khám mới phát hiện dự trữ buồng trứng đã bị suy giảm rất nhiều. Thậm chí, có những trường hợp 24-26 tuổi đã phải đi đông lạnh trứng", bác sĩ Trịnh Thị Ngọc Yến chia sẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Trịnh Thị Ngọc Yến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (áo xanh). Ảnh: T.H.
Mới đây, bác sĩ Yến đã tiếp nhận điều trị cho một cô gái 26 tuổi trong hoàn cảnh tương tự. Khi đến đây, dự trữ buồng trứng của cô gái này đã bị suy giảm. Cách duy nhất bác sĩ bắt buộc phải tư vấn, chỉ định bệnh nhân là trữ trứng để bảo tồn khả năng làm mẹ sau này.
Bên cạnh đó, hiện việc quan tâm, tìm hiểu của người trẻ cũng tốt hơn với trước đây. Số lượng bệnh nhân trẻ đã đi khám sức khỏe tiền hôn nhân tăng lên. Từ đó, họ biết được dự trữ buồng trứng của mình hiện ra sao để có thái độ cũng như hướng điều trị phù hợp trong việc có con.
"Phụ nữ hiện nay đảm nhận nhiều vai trò trong xã hội và cũng độc lập về tài chính. Họ có xu hướng kết hôn muộn và tự chủ về mọi mặt trong cuộc sống. Đồng thời, ý thức của họ về vấn đề sinh sản cũng ngày càng tốt. Họ có nhiều kênh để có thể tiếp cận thông tin", BS Yến phân tích.
Về mặt sinh lý, khi tuổi của người phụ nữ gia tăng thì chất lượng buồng trứng của họ sẽ ngày càng suy giảm. Đặc biệt, sau năm 35 tuổi, số lượng và chất lượng trứng sẽ bị giảm đáng kể. Sau độ tuổi này, cơ hội để người phụ nữ có thai bằng trứng của mình giảm đi rất nhiều.
Độ tuổi lý tưởng nhất và có khả năng có thai cao nhất ở phụ nữ nằm ở khoảng 20-29 tuổi. Sau đó, bắt đầu giảm dần, đặc biệt sau năm 35 tuổi. Từ 35 tuổi, ngoài tỷ lệ có thai giảm, tỷ lệ bị sẩy thai, thai lưu lại tăng.
Chính vì vậy, cơ hội có con khỏe mạnh của người phụ nữ sau năm 35 tuổi rất thấp. Vì thế, khi độc lập hơn, phụ nữ hiện nay đã nghĩ nhiều tới việc trữ đông trứng để bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai cho bản thân.
"Hiện số lượng các bạn trẻ đến trung tâm với ý định trữ đông trứng nhiều nhưng không phải trường hợp nào chúng tôi cũng khuyến khích trữ đông luôn. Bởi đông trứng có nhiều lợi ích những cũng có rủi ro nhất định. Thứ nhất, để đông trứng, người đó phải có nền tảng kinh tế ổn định. Thứ hai là cũng cần đảm bảo về sức khỏe", nữ bác sĩ nói thêm.
Ai có thể trữ đông trứng?
Người đã có trứng đông lạnh, không phải ai cũng cần quay lại để sử dụng số trứng này. Chuyên gia này lấy ví dụ khi đông trứng ở tuổi 30 do một số yếu tố, sau đó họ kết hôn vào khoảng 35-36 tuổi, bác sĩ vẫn ưu tiên sử dụng trứng tự thân để mang thai tự nhiên.
Trong trường hợp không thể mang thai tự nhiên, bệnh nhân mới nên quay lại để sử dụng trứng đã được đông lạnh. Khi dùng số trứng được trữ đông năm 30 tuổi, cơ hội có thai cũng như nguy cơ đối với chu kỳ sau này cũng chỉ tính ở mức 30 tuổi chứ không phải 35 như tuổi hiện tại. Đó là lợi thế của việc trữ đông trứng.
Theo vị chuyên gia, những người chưa có đối tượng kết hôn và chưa có ý định kết hôn nên đi khám, kiểm tra sức khỏe sinh sản của mình để được bác sĩ tư vấn. Nếu trong trường hợp thời gian kết hôn còn lâu quá và dự trữ buồng trứng không còn tốt, họ nên trữ đông trứng để có phương án dự phòng cho tương lai của mình.
"Kỹ thuật đông trứng rất đặc biệt và khó. Bởi noãn vốn là tế bào đặc biệt nhất trong cơ thể người phụ nữ. Thông thường, kỹ thuật trữ đông trong hỗ trợ sinh sản gồm: Trữ đông trứng, trữ đông tinh trùng, trữ đông phôi và bảo quản mô buồng trứng và mô tinh hoàn. Trong số đó, trữ đông trứng gần như là kỹ thuật khó nhất", ThS.BS Ngọc Yến cho hay.
Thông thường, quy trình sẽ bắt đầu khi người phụ nữ bắt đầu chu kỳ kinh đến để khảo sát, đánh giá về dự trữ buồng trứng cũng như tình hình sức khỏe chung. Khi có đủ các điều kiện để dùng thuốc kích thích buồng trứng, theo dõi sự đáp ứng nang noãn bằng siêu âm ngã âm đạo và xét nghiệm nội tiết tố, tiêm thuốc trưởng thành noãn.
Sau đó, bệnh nhân được tiến hành chọc hút trứng ra bên ngoài. Sau khi thu nhận trứng, các bác sĩ trong lab sẽ đánh giá trứng, tách tế bào hạt bên ngoài để thu noãn. Những noãn trưởng thành sẽ được trữ đông và cất đi.
Thời gian mất khoảng 2 tuần. Số lượng trứng trữ phụ thuộc vào dự trữ buồng trứng của người phụ nữ và đáp ứng đối với thuốc kích thích buồng trứng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi trữ đông được 15 trứng là số lượng kỳ vọng để có kết quả thành công, không có sự khác biệt giữa trứng tươi và trứng trữ đông.
"Sau này, nếu người phụ nữ đó đã kết hôn, họ sẽ dùng trứng đông kết hợp cùng tinh trùng chồng để tạo thành phôi, chuyển vào cơ thể người phụ nữ để có con. Nếu chưa kết hôn, muốn có con, phụ nữ có thể xin tinh trùng tại ngân hàng tinh trùng để tạo phôi", bác sĩ Yến nói.
Theo Gia Hân/Tri thức
Tin liên quan
Bộ Y tế đề xuất xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với hành vi...
Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương ở TP.HCM cho rằng trong bối cảnh tỉ suất sinh giảm rất thấp, BHYT...
83 ca mắc thủy đậu được phát hiện gần đây đều làm việc cùng phân xưởng của 1 công ty...
Hà Nội trời rét với nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này dao động 12-15 độ C.