"Ung thư ở trẻ em hiếm gặp nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến bệnh tật ở trẻ em và thanh thiếu niên", tiến sĩ Bùi Ngọc Lan, Giám đốc Trung tâm Ung thư, Bệnh viện Nhi Trung ương, nói tại chương trình "Con thuyền mơ ước", hưởng ứng tháng nhận thức về ung thư trẻ em 2022, hôm 26/9.

Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 280.000 trẻ dưới 19 tuổi được chẩn đoán ung thư mới, con số này tại Việt Nam là 2.500, Philippines là hơn 3.500 trẻ, Thái Lan hơn 900 và Singapore hơn 150.

Tại các nước phát triển, trên 80% trẻ mắc ung thư được chữa khỏi, trong khi tỷ lệ này tại các nước thu nhập thấp và trung bình chỉ đạt 20%.

"Hiện nay, với những tiến bộ của khoa học công nghệ và thuốc, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh ung thư khỏi bệnh đã tăng lên rất cao, mang lại cuộc sống bình thường cho nhiều em", bác sĩ Lan nói và thêm rằng các liệu pháp mới như miễn dịch dựa trên tế bào, phương pháp nhắm mục tiêu vào khối u hứa hẹn đem lại đột phá.

Như Quân, 15 tuổi ở Đà Nẵng là một trong nhiều trường hợp đã chiến thắng ung thư. 10 năm trước, Quân phát hiện ung thư máu. Khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương, em không đi lại được, thể trạng yếu ớt. Sau ba năm điều trị, bệnh tình Quân chuyển biến tốt, khỏi bệnh và được ra viện. Hiện Quân đã 15 tuổi, vừa vào học lớp 10, sức khỏe em hoàn toàn ổn định.

Theo các chuyên gia, điều trị ung thư ở trẻ em "là câu chuyện khác hẳn", là loại bệnh duy nhất không thể lựa chọn phác đồ như người lớn. Liệu pháp hóa trị có thể chống lại các loại ung thư máu ở trẻ em, chẳng hạn bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính, song kém hiệu quả với các khối u rắn.

"Hơn nữa, hóa trị và xạ trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe các em sau này. Chữa trị ung thư cho một đứa trẻ ba tuổi không phải chỉ là kéo dài sự sống vài tháng, mà là cả đời", bà Lan cho hay.

Với mục tiêu đạt tỷ lệ sống sót của trẻ em ung thư ít nhất là 60% vào năm 2030, Bệnh viện Nhi Trung ương tham gia vào Sáng kiến toàn cầu dành cho ung thư trẻ em (GICC) để nhận được hỗ trợ từ mạng lưới này.