Tiểu đường là bệnh lý mạn tính thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trong số các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam sau tim mạch và ung thư. Bệnh gây những biến chứng nghiêm trọng và đặc biệt nguy hiểm khi có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Chia sẻ với phóng viên, TS. BS Đỗ Đình Tùng, PGĐ BV Xanh Pôn cho biết, theo thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng một cách nhanh chóng.

Nếu như trước đây bệnh tập trung ở các thành phố lớn thì nay đã ghi nhận hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc. Trong vòng 10 năm trở lại đây, số bệnh nhân đái tháo đường đã tăng gấp đôi. Dự đoán đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên chiếm 7.7% tổng dân số.

Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng bàn chân được điều trị tại BV Xanh Pôn 

Theo đó, hiện cả nước có hơn 3.5 triệu người mắc bệnh tiểu đường, mỗi ngày có ít nhất 80 người tử vong liên quan đến bệnh và các biến chứng của tiểu đường nhưng có tới gần 70% số người mắc tiểu đường không được chẩn đoán.

Nguy hiểm hơn, độ tuổi mắc bệnh hiện nay ngày càng trẻ, nếu như trước đây, bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi thì nay có trường hợp từ 25-30 tuổi, thậm chí có bé 12-13 tuổi đã bị tiểu đường mà bản thân hay gia đình đều không hề hay biết.

Trường hợp bé N.V. T (12 tuổi) là ví dụ điển hình. Từ khi đi học mẫu giáo, mỗi lần trường tổ chức khám sức khoẻ thì T. luôn được xếp vào nhóm trẻ “thừa cân”.

Cũng cố gắng “hãm” nhưng bố bé “chào thua” vì dù có hạn chế thế nào thì con vẫn tăng dần đều. Bố bé cho biết vẫn thấy con khoẻ mạnh, học tập bình thường. Con vẫn phát triển chiều cao đều đều nên anh tặc lưỡi nghĩ bé “đô con” giống mình.

“5 tháng trước, con bị mắc Covid-19. Sau đợt đó con uể oải, sụt cân nhanh, tôi đưa con đi khám thì bé đã bị huyết áp cao, đang ở giai đoạn tiền đái tháo đường rồi”, bố V.T lo lắng nói.

Chia sẻ nguyên nhân nhiều nguời trẻ mắc bệnh tiểu đường, ThS.BS Nguyễn Quỳnh Xuân - Chuyên khoa Nội tiết của BVĐK MEDLATEC cho biết: Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai.

Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim, mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Tiểu đường được phân thành hai loại gồm type 1 và 2. Trong đó, tiểu đường type 1 thường gặp ở người trẻ, liên quan đến cơ chế tự miễn gây thiếu hụt insulin là chất có tác dụng làm giảm đường máu. Tiểu đường type 2 chiếm tỷ lệ chủ yếu và thường liên quan đến đề kháng insulin.

Chế độ ăn uống thiếu khoa học, hay ăn các loại đồ ăn nhanh, dầu mỡ, tinh bột, kẹo bánh, đồ ngọt, lười vận động dẫn đến béo phì và làm gia tăng tỷ lệ bệnh tiểu đường. Ngoài ra, yếu tố gia đình cũng là một nguy cơ của tiểu đường. Nếu bố, mẹ mắc tiểu đường hoặc nếu mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ thì nguy cơ các con bị tiểu đường sẽ cao hơn những đứa trẻ khác.

TS. BS Đỗ Đình Tùng cũng nhấn mạnh, đái tháo đường nếu không được điều trị đúng cách, kiểm soát đường máu tốt sẽ có rất nhiều biến chứng như tim mạch, bàn chân đặc biệt người bệnh sẽ rất dễ mắc các rối loạn kèm theo như: rối loạn lipit máu, tăng huyết áp, tổn thương thần kinh ngoại biên nhiễm khuẩn như viêm tai, viêm phổi hoặc người đái tháo đường sẽ rất dễ các bệnh mãn tính song hành.

Đặc biệt đối với người trẻ tuổi mắc bệnh tiểu đường, các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ biến chứng rất cao, thời gian dẫn đến biến chứng sớm và tiến triển nặng hơn.

Những biến chứng nguy hiểm của tiểu đường có thể gặp như tổn thương giảm thị lực, tăng huyết áp, tổn thương thần kinh ngoại biên gây tê bì tay chân, tổn thương thận dẫn đến suy thận, xơ vữa mạch máu gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não và có thể gây tử vong.

TS Tùng nhấn mạnh, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và làm gia tăng tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, bệnh đái tháo đường type 2 có thể dự phòng và ngăn chặn được.

Do đó, để phòng chống bệnh đái tháo đường, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần tầm soát trên những đối tượng có yếu tố nguy cơ (thừa cân, béo phì) và chủ động phòng ngừa các bệnh thông qua hoạt động thể chất thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, khoa học và duy trì môi trường sống lành mạnh.