1001 lý do người trẻ kết hôn muộn
Theo thông tin được Tổng cục Thống kê công bố trong tháng 7, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại TP. HCM là 30,4. Con số này là mức kỷ lục mới tại Việt Nam và nó cũng góp phần tạo nên mức sinh thấp cũng như đẩy nhanh già hóa dân số.
Được biết, trong những năm vừa qua, độ tuổi kết hôn của giới trẻ TP. HCM luôn cao nhất cả nước, tuy nhiên, đây là năm đầu tiên con số này vượt mốc 30.
Thực trạng này khiến cho không ít cư dân mạng lo ngại vì có thể nhìn nhận ngay trong thực tế, khi mà hiện nay càng nhiều bạn trẻ không có ý định kết hôn, sinh con.
Muôn vàn lý do trì hoãn
Ở cái tuổi U40, trong khi bạn bè đã kết hôn, sinh con thì chị Thanh Huyền (SN 1988, ở TP. Hồ Chí Minh) vẫn "độc thân, vui tính". Chị Huyền đã không còn ngại với những câu hỏi như "Bao giờ lấy chồng?", "Khi nào thì được ăn cỗ?"... Chị hạnh phúc với cuộc sống hiện tại và tự tin vào sự lựa chọn của mình. Chị Huyền làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân với mức lương 15 triệu đồng/tháng, đủ để chi trả các khoản sinh hoạt cá nhân và tích góp cho bản thân sau này. Thậm chí là xông xênh để đi chơi, xem phim, cà phê với bạn bè hoặc thỉnh thoảng đi du lịch…
Tương tự, dù gia đình thường xuyên hối thúc, song anh Quang Vinh (32 tuổi, quê Thừa Thiên Huế, hiện đang sống và làm việc ở TP.Bà Rịa) vẫn còn độc thân. Sở dĩ anh chưa dám kết hôn vì sợ không đủ điều kiện kinh tế để lo cho vợ con.
“Kết hôn không phải là vấn đề đơn giản, sẽ có rất nhiều thứ phát sinh sau đó. Mình cảm thấy bản thân chưa đủ sẵn sàng để trở thành một người chồng, một người cha nên cứ từ từ, khi nào đủ điều kiện thuận lợi rồi mới tính đến chuyện kết hôn”, anh Vinh thổ lộ.
Còn anh Nguyễn Minh Trí (35 tuổi, quê ở Thanh Hóa) hiện đang sinh sống tại Hà Nội thì lại lựa chọn cuộc sống độc thân, mặc dù anh có điều kiện kinh tế khá giả và là cháu trai duy nhất của gia đình.
Anh chia sẻ: "Tôi thích cuộc sống độc thân được tự do đi đây đi đó và làm những gì mình thích. Có gia đình đồng nghĩa với việc tôi phải dành phần lớn thời gian cho nó với rất nhiều ràng buộc, khiến tôi cảm thấy ngột ngạt".
Suy nghĩ của chị Thanh Huyền, anh Quang Vinh, anh Trí là biểu hiện của sự thay đổi trong xu hướng kết hôn của người trẻ Việt ngày nay. Ngoài ra, còn rất nhiều lý do được các bạn trẻ đưa ra biện minh cho việc kết hôn muộn như: vấn đề tài chính, chưa chuẩn bị tâm lí, ngại đỗ vỡ…
Kết hôn muộn, sinh con muộn, thì sao?
Việc kết hôn muộn mang đến những lợi ích như có nhiều thời gian đầu tư cho bản thân, khả năng ly hôn thấp hơn... Tuy nhiên, kết hôn muộn cũng ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản.
Chị Hồ Thị Kim Dung (TP.Vũng Tàu) là ví dụ. Cách đây 5 năm, chị lập gia đình khi bước sang tuổi 36, thời điểm đó, chồng chị cũng đã bước sang tuổi 42, nên 5 năm trôi qua, vợ chồng chị vẫn chưa thể có con. Hiện chị Kim Dung đang tích cóp tiền bạc để làm biện pháp can thiệp y khoa, với mong muốn có một đứa con nhằm kết nối tình cảm vợ chồng.
TS.BS Phan Chí Thành - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, độ tuổi sinh con phù hợp là yếu tố quan trọng, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Theo bác sĩ, đàn ông ở tuổi nào cũng có thể sản sinh ra tinh trùng tốt nhưng phụ nữ thì buồng trứng già hóa theo tuổi. Tuổi càng cao chất lượng trứng càng kém và số lượng trứng ít khiến việc thụ thai gặp nhiều khó khăn.
Từ 20 đến 30 tuổi là giai đoạn buồng trứng chín muồi và hoạt động tốt nhất nên tỷ lệ cho ra nang trứng tốt sẽ cao hơn. Do đó, phụ nữ nên sinh con trong độ tuổi 20 - 30, tối đa 35 tuổi để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé, giảm tỷ lệ thai bất thường, vô sinh và tăng khả năng đậu thai.
Hơn nữa, ở tuổi này, sức khỏe phụ nữ tốt nên những tai biến gặp trong sản khoa và bệnh lý thai kỳ ít hơn như đái tháo đường thai kỳ hoặc tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật... Sức khỏe sản phụ tốt giảm tình trạng chảy máu sau sinh do tầng sinh môn không còn mềm mại, cuộc đẻ thuận lợi, giảm tỷ lệ mổ lấy thai do sức khỏe người mẹ đảm bảo.
“Trường hợp mang thai sau tuổi 35 có thể gặp nhiều khó khăn, thậm chí đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé”, bác sĩ Thành khuyến cáo.
Ngoài ra, xu hướng người trẻ ngại cưới, tức không muốn kết hôn, kết hôn muộn… có thể dẫn đến hệ lụy là Việt Nam đối diện nguy cơ dân số suy giảm và hậu quả lớn nhất là già hóa dân số.
Theo dự báo của Cục Dân số, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có dân số già, tức người 60 tuổi trở lên chiếm 20%. Đến năm 2050, Việt Nam có thể sẽ có dân số siêu già, nghĩa là người cao tuổi chiếm đến 35%. Từ đó kéo theo tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế đất nước.
Việc kết hôn và sinh con là lựa chọn của mỗi người, tùy vào điều kiện và kế hoạch của cá nhân, gia đình để quyết định việc kết hôn, sinh con, bảo đảm chăm sóc, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, kết hôn sớm cũng là cách để đánh dấu sự trưởng thành và hướng tới một tương lai ổn định, đồng thời thể hiện trách nhiệm của công dân đối với xã hội và cộng đồng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...