Thành phố Hà Nội có diện tích rộng, nhiều loại địa hình với nhiều sông, hồ, ao và các công trình dang xây dựng, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao cho học sinh. Với số lượng trên 1,2 triệu học sinh hiện nay, việc đảm bảo an toàn cho các em vào các dịp nghỉ hè là vô cùng cấp thiết.
Để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là dạy trẻ biết bơi. Tuy nhiên, hiện nay việc dạy bơi cho trẻ chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, tình trạng thiếu bể bơi, thiếu kỹ thuật bơi căn bản cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc dạy trẻ kỹ năng này. Vì vậy, một giải pháp đó là các nhà trường có thể dạy kỹ năng bơi cho trẻ tại trường học như một chương trình bắt buộc.
Các bậc cha mẹ cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho các em nhỏ như: cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi... Cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu.
Những tai nạn bể bơi
Mới đây, một đoạn video dài hơn 1 phút ghi lại hình ảnh một cậu bé khoảng chừng 10 tuổi đang nằm ngửa trên mặt nước tại một khu vui chơi ở Ba Vì, Hà Nội. Điều đáng nói, tại hồ nước này có rất nhiều người đang vui chơi. Nhiều người tưởng rằng bé trai đang đùa giỡn kiểu bơi ngửa mặt nhưng không ngờ rằng đó là một tình huống kêu cứu không thành lời.
Hè năm 2016, tại một bể bơi tư nhân trên xã Võng Xuyên (Phúc Thọ, Hà Nội), một thầy giáo tại trường THCS Xuân Phú đã dẫn một nhóm học sinh tới bể bơi trên để dạy bơi. Quá trình đưa các em học sinh đi bơi, do sơ suất, thầy giáo không để ý đã để em L.T.S. (11 tuổi, trú huyện Đan Phượng) đuối nước thương tâm.
Chớm hè năm 2016, nhiều tai nạn thương tâm vì đuối nước đã xảy ra tại nhiều địa phương mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Sau 5 vụ tai nạn đuối nước liên tiếp xảy ra khiến nhiều trẻ em tử vong, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi công điện yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường công tác quản lý học sinh, thiếu nhi, tổ chức các hoạt động hè an toàn, không để xảy ra tai nạn; trong đó chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi lội. Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó đã có văn bản yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh.
Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có trên 2.800 trẻ em tử vong do đuối nước, con số cao nhất khu vực Đông Nam Á, gấp 8 lần so với các nước có thu nhập cao, dù đã giảm đi một nửa so với giai đoạn 2001-2010.
Bắt đầu kỳ nghỉ hè năm 2017, nhiều người lo ngại hơn với tai nạn đuối nước có thể xảy ra nhiều hơn so với năm trước. Tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn chưa ý thức được việc phòng tránh cho đến khi sự việc thương tâm xảy ra đối với con em mình.
Ngành giáo dục quyết tâm "xóa mù bơi"
Trong năm qua, công tác phổ cập bơi và phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã được Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn do đuối nước. Trong đó, Sở đã có công văn đề nghị các phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã triển khai 6 nội dung nhằm hạn chế tình trạng đuối nước cho học sinh.
Trong đó, một số phòng giáo dục đã triển khai hiệu quả công tác phổ cập bơi đến học sinh tại địa bàn quận như Thanh Xuân, Gia Lâm, Hà Đông, Cầu Giấy. Theo báo cáo của phòng giáo dục quận cầu giấy thì năm 2016 đã phổ cập được cho 1528 học sinh, dự tính năm 2017 sẽ “xóa mù bơi” cho toàn bộ học sinh khối 3,4,5. Quận Thanh Trì dự tính năm 2017 sẽ xóa mù bơi cho 4000 học sinh và lắp đặt 11 bể bơi thông minh trong trường học.
Tại Hội nghị “Đánh giá công tác phổ cập bơi và triển khai hoạt động hè cho học sinh năm 2017” do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội tổ chức mới đây, đại diện của 30 phòng giáo dục của các quận nội, ngoại thành Hà Nội đã cùng trao đổi, đưa ra phương án triển khai cấp thiết để nhằm giảm thiểu tai tạn đuối nước trong dịp hè năm 2017.
Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Những năm qua, công tác phổ cập bơi và phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh trên địa bàn TP được Sở GD&ĐT triển khai rộng rãi và đạt được những thành tích bước đầu. Mô hình “bể bơi thông minh” được lắp đặt trong các trường học để dạy bơi cho học sinh đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất, trường có diện tích để xây bể bơi thì gặp khó khăn về kinh phí, trường có khả năng huy động được vốn lại không có diện tích.
Một số yếu tố khác cũng khiến công tác phổ cập bơi gặp khó khăn, như: thời tiết, ý thức của một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về công tác phổ cập bơi cho học sinh, dẫn đến chưa quan tâm tới công tác này, tỷ lệ học sinh tiểu học được phổ cập bơi chưa cao, chưa đồng đều tại các quận, huyện, thị xã... Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các đơn vị khác để khắc phục khó khăn.
Ông Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết, sau khóa học bơi, tất cả các em đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp giấy chứng nhận đã biết bơi.