Sáng 10-3, bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc - giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tỉnh Gia Lai - cho hay đã có 9 nhân viên y tế tại bệnh viện xuất hiện phản ứng phản vệ sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vào ngày 9-3.
Trường hợp nặng nhất là nữ điều dưỡng T.H., có tiền sử hen phế quản. Nữ điều dưỡng này sau khi tiêm khoảng 5 phút thì bắt đầu phản ứng như tê quanh miệng, nôn mửa, chóng mặt và tức ngực, khó thở. Sau khi được đưa vào khu vực hồi sức cấp cứu theo dõi, chị đã khỏe lại.
8 trường hợp khác có phản ứng phản vệ thể nhẹ (cấp độ I) với các biểu hiện như: mày đay, ngứa, phù mạch.
Tính đến chiều 9-3, tất cả trường hợp phản ứng phản vệ đã trở lại trạng thái sức khỏe bình thường, ăn uống tốt.
"Trường hợp tiêm vắc xin gây phản ứng phản vệ là bình thường. Đây là phản ứng tạo miễn dịch trong cơ thể", giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tỉnh Gia Lai cho biết.
Trước đó, Bộ Y tế phân bổ cho Gia Lai 1.900 liều vắc xin COVID-19. Ngày 9-3, ngành y tế tỉnh triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên là lực lượng tuyến đầu chống dịch đang công tác tại Bệnh viện dã chiến.
Theo Bộ Y tế, phản ứng phản vệ được chia thành 4 mức độ như sau:
1. Nhẹ (độ I): Chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch.
2. Nặng (độ II): có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan:
a) Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh.
b) Khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi.
c) Đau bụng, nôn, ỉa chảy.
d) Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.
3. Nguy kịch (độ III): biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như sau:
a) Đường thở: tiếng rít thanh quản, phù thanh quản.
b) Thở: thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở.
c) Rối loạn ý thức: vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn.
d) Tuần hoàn: sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.
4. Ngừng tuần hoàn (độ IV): Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.