Không cho bất cứ ai hôn bé
Trong những tuần đầu đời, việc tiếp xúc với vi khuẩn có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng cho thiên thần nhỏ của bạn. Chỉ cần hôn cũng có thể khiến cho bé mắc những căn bệnh không mong muốn, bởi vì hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh lúc này không đủ sức để bảo vệ cơ thể hay chống chọi với bệnh tật.
Pha sữa công thức sai cách
Nhiều mẹ có cơ địa ít sữa, đành phải cho bé uống thêm sữa công thức. Khi pha sữa cho bé, các mẹ cũng có xu hướng pha loãng sữa đi so với hướng dẫn vì nghĩ sữa loãng sẽ tốt cho tiêu hóa của bé. Tuy nhiên, sữa công thức phải pha đúng chuẩn, nếu pha quá loãng sẽ không cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé. Nếu mẹ pha quá đặc, sẽ khiến bé mất nước, hại đến thận bé.
Không để bé vừa ngậm ti vừa ngủ quá lâu
Thói quen không khoa học này gây nhiều bất lợi với bé. Vừa ngậm ty/ bình sữa vừa ngủ quá lâu sẽ gây ảnh hưởng đến men răng của bé. Vì vậy các mẹ không nên làm ở trẻ sơ sinh.
Mặc quá nhiều đồ cho bé
Trẻ sơ sinh thường dễ bị lạnh nhưng cũng không cần quá lo lắng về điều này. Trẻ dù không thể làm ấm cơ thể bằng cách di chuyển, nhưng nếu mặc quá nhiều quần áo cho trẻ thì có thể gây sốt và khiến con bị mất nước. Nên chú ý cho con mặc theo từng lớp, như vậy sẽ dễ thêm hoặc bớt lượng áo quần và duy trì nhiệt độ thích hợp cho con.
Rung lắc bé
Nhiều bố mẹ có thói quen rung lắc trẻ để dỗ trẻ khóc hoặc trấn an tinh thần trẻ. Tuy nhiên đây lại là thói quen cực kỳ nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến các cơ quan, đặc biệt là não bộ. Thay vì rung lắc mạnh, bố mẹ có thể đu đưa rất nhẹ nhàng và trong thời gian ngắn thôi.
Cho bé uống nước
Các chuyên gia cho biết trẻ dưới 6 tháng tuổi không cần hoặc cần rất ít lượng nước mỗi ngày. Cho trẻ uống nước quá nhiều có thể gây mất cân bằng điện giải trong cơ thể và cạn mức sodium.
Chế độ ngủ của bé sơ sinh
Không để mẹ và bé sinh hoạt trong môi trường tối: Kinh nghiệm dân gian thường để mẹ và em bé sơ sinh nằm trong phòng tối, cho rằng đảm bảo sức khoẻ. Nhưng việc này không chỉ làm mẹ khó phát hiện các vấn đề phát sinh trên cơ thể của bé, mà điều kiện môi trường này còn khiến trẻ tăng khả năng bệnh vàng da nặng, thiếu ánh sáng nên thiếu vitamin D khiến bé bị còi xương, chậm lớn, di chứng thần kinh, nhiễm trùng da, trớ sữa,…
Bé sơ sinh cần ngủ nhiều nhưng mẹ cũng phải hỗ trợ cho con phân biệt được ngày đêm bằng cách: giữ cho phòng con sáng sủa, đầy ánh sáng vào ban ngày (kể cả khi con ngủ). Còn ban đêm, mẹ nên tắt đèn để tạo thói quen cho con, đồng thời tạo được phản xạ tắt đèn khi ngủ vào ban đêm. Mẹ cũng nên lưu ý, không để đèn quá sáng vào ban đêm vì gây giảm chất lượng giấc ngủ đồng thời ảnh hưởng xấu đến mắt của trẻ.
Không nên áp dụng các phương phá hỗ trợ bé ngủ: Dân gian quan niệm rằng, đưa võng sẽ giúp các bé ngủ sâu hơn và ít quấy khóc, giật mình khi ngủ. Tuy nhiên, việc rung lắc hay đưa võng mạnh dễ tổn thương lên não bộ của bé nên tập cho bé thói quen dễ ngủ, đặt đâu cũng ngủ được thì quá trình chăm con của mẹ sẽ bớt vất vả hơn.
Khi bé ngủ, đừng để chăn màn hay gấu bông xung quanh, không chỉ gây nóng, đổ mồ hôi hay nhiễm lạnh cho bé, vô tình để những vật đó lên mũi sẽ gây cản trở việc hô hấp của bé.
Không thực hiện các phương thức kém an toàn
Không bịt kín rốn của con: Bé mới sinh chưa rụng rốn, mẹ tuyệt đối không băng kín quá hoặc băng quá chặt vùng rốn của con. Chỉ cần đặt một tấm gạc mỏng để che rốn nhằm giữ cho rốn được hở thoáng để tránh hầm bí, nhiễm trùng.
Không rơ lưỡi cho con bằng các nguyên liệu lạ: Các bé sơ sinh sau khi uống sữa sẽ bị đọng cặn sữa trên lưỡi. Mẹ hãy rửa tay sạch rồi rơ lưỡi cho trẻ bằng gạc sạch cùng với nước ấm hoặc nước muối sinh lý. Trong suốt thời gian sơ sinh tuyệt đối không dùng mật ong, nước cam thảo, nước rau ngót, nước chanh... để vệ sinh lưỡi cho con.
Không được cắt tóc cho trẻ khi trẻ còn quá nhỏ: Lớp tóc này gọi là tóc máu, có nhiệm vụ bảo vệ và giữ ấm cho thóp. Vùng da đầu non nớt của bé rất dễ tổn thương khi bị tác động mạnh, nhẹ thì trầy xước nhưng nặng có thể gây nhiễm trùng, rất nguy hiểm.
Không nên cắt lông mi của bé: Nhiều mẹ nghe lời đồn rằng cắt lông mi cho bé thì sau này bé có hàng mi đẹp. Nhưng thực ra, mắt của bé còn yếu nên việc cắt lông mi không những không có tác dụng làm cho nó mọc dày hơn mà còn hạn chế các tác dụng bảo vệ của lông mi với mắt.