1. Luôn hoạt động trí óc
Giống như hoạt động thể chất giúp giữ gìn dáng vóc cho cơ thể, các hoạt động kích thích sẽ giúp giữ gìn sự minh mẫn cho bộ não và ngăn ngừa giảm trí nhớ. Giải ô chữ. Chơi bài. Đi các tuyến đường khác nhau khi lái xe. Học chơi một nhạc cụ. Làm tình nguyện viên tại một trường học địa phương hoặc tổ chức cộng đồng.
2. Thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội
Tương tác xã hội giúp ngăn ngừa trầm cảm và stress, cả hai đều có thể góp phần gây giảm trí nhớ. Tìm kiếm cơ hội để gặp gỡ người thân, bạn bè và những người khác, đặc biệt nếu bạn sống một mình.
3. Có tổ chức
Bạn sẽ dễ quên mọi thứ nếu nhà cửa bừa bộn và các ghi chú bị xáo trộn. Ghi lại những việc cần làm, các cuộc hẹn và những sự kiện khác vào sổ ghi chép, lịch hoặc ứng dụng lập kế hoạch. Bạn thậm chí có thể nhắc to nhiều lần từng mục khi ghi để giúp củng cố vào trí nhớ. Giữ danh sách những việc đang cần làm và kiểm tra các mục đã hoàn thành. Dành một chỗ để ví, chìa khóa và các vật dụng cần thiết khác.
Hạn chế những thứ gây xao lãng và đừng làm quá nhiều việc cùng một lúc. Nếu tập trung vào thông tin mà bạn đang muốn lưu giữ, bạn sẽ dễ nhớ lại nó sau này hơn. Cũng sẽ hữu ích nếu kết nối những gì bạn đang cố ghi nhớ với một bài hát yêu thích hoặc một khái niệm quen thuộc khác.
4. Ngủ ngon
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp củng cố ký ức, nhờ vậy bạn có thể nhớ lại chúng. Ngủ đủ là một ưu tiên. Hầu hết người lớn cần 7 đến 9 giờ ngủ mỗi ngày.
5. Ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn lành mạnh sẽ tốt cho cả bộ não và trái tim. Hãy ăn trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Chọn các nguồn protein ít béo, như cá, thịt nạc và thịt gia cầm không da. Cũng cần chú ý đến những gì bạn uống. Quá nhiều rượu có thể dẫn đến lú lẫn và giảm trí nhớ.
6. Lồng ghép các hoạt động thể chất trong nếp sống hàng ngày
Hoạt động thể chất làm tăng lưu thông máu đến toàn bộ cơ thể, bao gồm cả não bộ. Điều này sẽ giúp cho trí nhớ luôn sắc bén.
Đối với hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh, Bộ Y tế Mỹ khuyến nghị ít nhất 150 phút hoạt động aerobic vừa phải mỗi tuần, như đi bộ nhanh, hoặc 75 phút mỗi tuần hoạt động aerobic mạnh, như chạy bộ, tốt nhất là nên rải đều trong suốt cả tuần. Nếu không có thời gian cho một buổi tập luyện đầy đủ, hãy rải ra thành vài lần đi bộ, mỗi lần 10 phút, trong suốt cả ngày.
7. Quản lý các tình trạng bệnh mạn tính
Tuân thủ các khuyến nghị điều trị của bác sĩ đối với mọi tình trạng bệnh mạn tính, như trầm cảm, huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường và các vấn đề về thận hoặc tuyến giáp. Càng chăm sóc bản thân tốt thì trí nhớ càng có khả năng tốt hơn. Ngoài ra, thường xuyên xem xét các thuốc cùng với bác sĩ. Các loại thuốc khác nhau có thể ảnh hưởng đến trí nhớ.
Khi nào cần tìm sự giúp đỡ?
Nếu bạn lo lắng về tình trạng giảm trí nhớ, đặc biệt là nếu nó ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành các hoạt động hàng ngày thông thường, hãy nói chuyện với bác sĩ. Bác sĩ có thể tiến hành khám thực thể, cũng như kiểm tra trí nhớ và kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn. Đôi khi cũng cần đến các xét nghiệm khác. Điều trị sẽ phụ thuộc vào những yếu tố góp phần gây giảm sút trí nhớ của bạn.