Thời gian gần đây, Trung tâm Thận học của Bệnh viện Liên kết 1 thuộc Trường Đại học Y khoa Chiết Giang (Trung Quốc) đã liên tục tiếp nhận 6 trường hợp bị tổn thương thận cấp tính. Đáng chú ý, tất cả các bệnh nhân trước khi vào viện đều có một thời gian dài ăn rau sam.
Theo tờ QQ (TQ), một trong 6 bệnh nhân trên tên là Lao Yan (56 tuổi, đến từ Ôn Châu, Chiết Giang). Người đàn ông này mắc bệnh tiểu đường, nghe nói rau sam có tác dụng hạ đường huyết nên ông thường ăn mỗi ngày. Tuy nhiên sau 3 ngày ăn, ông thấy bàn chân của mình sưng thấy. Đi khám được bác sĩ chẩn đoán chỉ số creatinin (chỉ số về chức năng tổng thể của thận) cao gấp hơn 6 lần so với bình thường, được chẩn đoán tổn thương thận cấp.
Nhiều người biết được thông tin rau sam gây tổn thương thận đều vô cùng lo lắng và ngạc nhiên. Ở Trung Quốc, cây rau sam là một trong những loại thực phẩm rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Đây là loại rau được người Trung Quốc tôn sùng, mệnh danh là "rau trường thọ", vậy tại sao nó có thể làm tổn thương thận cho nhiều bệnh nhân?
Rau sam có chứa một lượng khá lớn axit oxalic (một chất có thể kết tinh thành sỏi oxalat trong đường tiết niệu) so với các loại rau khác. 100g lá tươi rau sam có chứa tới 1.31g axit oxalic, nhiều hơn trong rau bina (0,97g/100g) và sắn (1,26g/10g).
Cách để giảm thiểu axit oxalic có trong rau sam đó là chần bằng nước sôi trước khi chế biến. Tuy nhiên, có nhiều người phạm sai lầm giống như ông Lao Yan đó là trực tiếp nấu chín mà không chần nước sôi, thậm chí còn ăn quá nhiều trong một thời gian ngắn. Kết quả là một lượng lớn axit oxalic được lọc qua thận, gây tích tụ các tinh thể canxi oxalat không hòa tan, làm tắc ống thận và gây ra tổn thương thận cấp tính.
Trên thực tế, đối với những người có sức khỏe tốt, các tinh thể canxi oxalat có thể được đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu khá dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân mắc các bệnh về chuyển hóa như ông Lao Yan thì chức năng hoạt động của thận có thể đã gặp trục trặc, dễ tạo sỏi.
Bên cạnh ray sam, còn có những loại rau khác là bông cải xanh, rau bina, đậu cô ve, đậu lăng... cũng cần được chần kỹ trước khi xào nấu. Việc làm này sẽ giúp giảm hàm lượng axit oxalic một cách hiệu quả. Thời gian chần là 1-5 phút.
Để tránh làm tổn thương thận, chúng ta cần lưu ý 2 điều sau đây:
1. Tránh ăn nhiều thực phẩm giàu axit oxalic trong thời gian ngắn
Để bảo vệ thận, bạn cần chú ý chế độ ăn uống cân bằng hàng ngày. Không nên ăn kiêng nhưng cũng không được lạm dụng thực phẩm giàu axit oxalic. Các loại thực phẩm này nên tiêu thụ ở liều lượng và tần suất vừa phải.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, các loại thực phẩm như hạnh nhân, hạt mè nguyên khô, rau dền, khế… chứa axit oxalic rất cao. Hàm lượng axit oxalic trong hạt dẻ, bơ đậu phộng, khoai tây chiên cọng, cà rốt, cần tây, sốt cà chua… là trung bình.
2. Uống nhiều nước
Bạn nên đảm bảo uống nước đầy đủ để có thể tiểu tiện trơn tru. Người lớn mỗi ngày nên uống từ 7 đến 8 cốc nước (1500 đến 1700 ml). Lý do là bởi axit oxalic và các chất khác có thể được bài tiết qua nước tiểu. Uống nước và đi tiểu thường xuyên có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tạo sỏi.