Rau là thành phần không thể thiếu của nồi lẩu. Tuy nhiên, ăn không đúng cách hoặc kết hợp các loại rau sẽ không ngon mà còn có thể gây “độc hại” cho sức khỏe.
Mồng tơi với lẩu bò: Mồng tơi là loại rau khá lành tính, thường được dùng để nấu canh hoặc xào. Nhiều người cũng dùng mồng tơi để nhúng lẩu. Tuy nhiên, bạn không nên ăn lẩu bò với mùng tơi vì dễ gây ra đau bụng, khó tiêu, nặng thì gây táo bón.
Rau hoa chuông (giống cây rau đắng): Cây hoa chuông có hình dạng rất giống cây rau đắng. Cây hoa chuông vàng thuộc họ cà độc dược. Rất nhiều người đã ăn nhầm lá cây này do tưởng là cây lá đắng mọc trong vườn. Cây hoa chuông có chứa chất Scopolamine có chứa chất độc gây ảo giác.
Rau kinh giới với lẩu gà: Theo Đông y, thịt gà thuộc phong mộc, có tính can ôn trong khi đó rau kinh giới có tính cay nóng, tân tán. Nếu ăn chung hai loại thực phẩm này với nhau sẽ khiến bạn chóng mặt, ù tai, thậm chí run rẩy, ngứa ngáy toàn thân. Lẩu gà nên ăn cùng bắp chuối, rau đắng, rau muống, bông súng, nấm tươi, ngải cứu. Lưu ý, phụ nữ mang thai không nên ăn lẩu gà với ngải cứu.
Cà chua, khoai lang và khoai tây với lẩu hải sản: Mọi người thường cho cà chua vào nồi lẩu để tạo màu sắc đẹp mắt và tăng thêm hương vị. Tuy nhiên, đây là một đại kỵ khi ăn lẩu hải sản. Ăn lẩu hải sản với cà chua, khoai lang, khoai tây sẽ khiến bạn bị khó tiêu, đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe, ăn lẩu khi trời lạnh cần tránh những điều sau đây:
Không nên ăn thức ăn quá nóng: Do vừa nấu vừa ăn nên nước lẩu và đồ ăn đều rất nóng, nếu ta ăn luôn khi vừa vớt ra khỏi nồi có thể gây bỏng niêm mạc miệng và thực quản mà chúng ta không biết. Cách tốt nhất là hãy gắp ra bát trước, chờ một chút cho nguội rồi hãy ăn.
Không kéo dài thời gian ăn: Bữa ăn quá dài khiến dạ dày tiết dịch vị, mật tiết dịch mật, tụy cũng tiết dịch để bắt đầu hoạt động tiêu hóa, nhưng càng kéo dài thì hệ tiêu hóa càng phải làm việc nhiều, các cơ quan nội tạng không được nghỉ ngơi khiến chức năng dạ dày suy yếu dễ gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nặng có thể gây ra các bệnh về dạ dày, tụy.
Không ăn khi thực phẩm còn tái: Khi ăn lẩu chúng ta dễ ăn phải đồ ăn còn tái, đây có thể là nguyên nhân khiến bạn bị nhiễm ký sinh trùng, gây đau bụng, khó tiêu.
Tránh ăn nước lẩu quá cay: Vị cay là điểm đặc biệt tạo nên hương vị cho nồi lẩu, thế nhưng ăn quá cay không chỉ gây kích thích các màng nhầy trong thực quản, miệng và đường tiêu hóa mà còn có thể gây tắc nghẽn, phù nề và bệnh về tiêu hóa, khiến người đang mắc các bệnh về răng miệng, viêm họng, viêm loét tụy và túi mật tái phát bệnh tình nghiêm trọng hơn.
Thay nước dùng nếu nồi lẩu đã ăn quá 60 phút: Nồi lẩu khi sôi đi sôi lại chứa rất nhiều chất béo bão hòa, natri, purine, nitrit cũng như các chất có hại. Những chất này có thể khiến bạn mắc bệnh tiểu đường, gout, xơ vữa động mạch và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Do đó, bạn nên dùng khi nồi nước lẩu mới nấu sôi. Với nồi lẩu đã dùng hơn 1 tiếng đồng hồ, bạn nên thay nước lẩu để tiếp tục dùng.
Hạn chế ăn mì nấu với 'nước cuối' của nồi lẩu: Nước lẩu cuối chứa nhiều dầu và chất béo, cùng axit amin của nhiều loại thịt đun nóng liên tục trong thời gian dài. Khi kết hợp với nitrit trong rau nấu chín sẽ tạo thành chất nitrosamine có nguy cơ gây ung thư.
Nếu ăn lẩu bên ngoài nên chọn những quán lẩu vệ sinh, uy tín và đáng tin cậy. Tránh chọn quán lẩu vỉa hè, không có địa điểm rửa rau sạch an toàn.