Nhiều người mắc phải những thói quen có hại khi ăn uống, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí còn có thể "chết nhanh hơn mắc ung thư" mà không hề hay biết.
Bệnh dạ dày là một trong những loại bệnh mà người Việt có tỉ lệ mắc nhiều nhất, phần lớn có liên quan đến thói quen ăn uống sai lầm.
Ăn mặn
Trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 9,4g muối mỗi ngày, gấp hai lần so với khuyến nghị của WHO.
Các thực phẩm chứa nhiều muối có thể gây tổn thương trực tiếp đến niêm mạc dạ dày. Đặc biệt, một số sản phẩm như thịt muối, cà muối, dưa muối có thể chứa hàm lượng nitrite cao, khi đi vào cơ thể chuyển hóa thành nitrosamine và cuối cùng gây ra bệnh ung thư dạ dày .
Không chỉ vậy, thói quen ăn mặn góp phần khiến chúng ta vô tình lọt vào nhóm người có nguy cơ tăng cao nguy cơ mắc huyết áp cao, đột quỵ, tai biến mạch máu não và nhiều bệnh mãn tính khác.
Ăn quá nhanh
Vì cuộc sống vội vàng và bận rộn, nhiều người hình thành thói quen nhai và nuốt thức ăn quá nhanh, đã vô tình làm tổn hại tới niêm mạc dạ dày mà không hay biết.
Thói quen ăn quá nhanh không chỉ khiến vị giác chưa kịp cảm nhận mà còn khiến thức ăn chưa được nghiền nát, khi xuống dạ dày mất nhiều thời gian hơn mới tiêu hóa được thức ăn làm tăng gánh nặng cho dạ dày, gây đau dạ dày, ảnh hưởng đến hấp thu thức ăn.
Gắp truyền thức ăn cho nhau
Vi khuẩn HP có thể lây qua đường ăn uống, dẫn đến nhiều người trong gia đình đều bị nhiễm và có thể mắc đi mắc lại nhiều lần. Khi chúng ta dùng đũa của mình để gắp thức ăn cho người khác, vi khuẩn này sẽ đi theo dịch tiêu hóa bám trên đũa và dính vào thức ăn của người đối diện, trong đó có thể là vi khuẩn HP, viêm gan A, B, viêm gan E, vi khuẩn lỵ, vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn quai bị…
Theo các bác sĩ, chúng ta nên từ bỏ thói quen gắp thức ăn cho người khác, không chấm chung nước chấm và tập thói quen ăn chín uống sôi để đảm bảo sức khỏe của mọi người.
Ăn cơm chan canh
Theo các chuyên gia, hiện nay các gia đình đều có thói quen ăn cơm chan canh để việc ăn cơm trở nên dễ dàng và nhanh gọn hơn. Thế nhưng khi uống nước (nước canh, nước lọc, nước ngọt…) trong quá trình ăn sẽ khiến cơm và thức ăn trôi tuột vào dạ dày mà chưa được nhai kỹ. Điều này khiến dạ dày phải hoạt động nhiều hơn, từ đó làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Ngoài ra, đặc biệt với trẻ nhỏ, việc ăn cơm chan canh là không nên bởi trẻ sẽ cảm thấy nhanh no nhưng dinh dưỡng hấp thụ lại rất ít. Dịch tiêu hóa bị nước làm loãng khiến lượng dinh dưỡng sẽ còn lại rất ít. Về lâu dài trẻ sẽ hình thành thói quen nuốt trôi chứ không nhai nữa, ảnh hưởng tới cơ hàm cũng như sức khỏe của trẻ.
Ăn cơm nguội
Việc sử cơm nguội là không nên bởi khi để quá lâu hoặc bảo quản không đúng cách, cơm sẽ dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra, cơm nguội cũng không còn quá nhiều chất dinh dưỡng kể cả sau khi được làm nóng. Người ăn sẽ có triệu chứng buồn nôn, mệt mỏi và dẫn đến các bệnh như rối loạn tiêu hóa, ngộ độc. Tốt nhất nên ăn cơm nóng mới nấu, nếu thừa thì nên bảo quản trong tủ lạnh không quá 24 giờ.
Uống trà sau bữa ăn
Nhiều người Việt Nam vẫn quan niệm rằng uống một hai tách trà sau khi ăn cơm xong sẽ làm miệng thơm tho hơn và ngoài ra sẽ giúp cơm ngon miệng, dễ tiêu hóa hơn. Tuy nhiên, trong lá trà có chất tannin, khi kết hợp với thức ăn có thể tạo nên các hợp chất có tính loại trừ khiến thức ăn khó hấp thụ và khó tiêu, hệ thống tiêu hóa bị ứ đọng.