Thịt lợn là một món ăn phổ biến trong các gia đình. Theo một khảo sát cho thấy vào năm 2019, một người Việt tiêu thụ trung bình 28,5kg thịt lợn, tương đương lượng hải sản tiêu thụ và gấp hơn 5 lần lượng thịt bò.
Ngoài thịt thì hầu hết các bộ phận của lợn đều được tận dụng để chế biến thành thức ăn. Trong các phụ phẩm như nội tạng, óc, gan, lưỡi,.. đều chứa nhiều protein, vitamin và khoáng chất nên đều có thể chế biến thành rất nhiều món ngon.
Không thể phủ nhận những bộ phận dưới đây của lợn rất bổ dưỡng, tuy nhiên chúng lại được đánh giá là "bẩn nhất", chứa nhiều vi khuẩn gây hại cho người ăn vì vậy các chuyên gia khuyến cáo tránh lạm dụng.
6 thực phẩm được đánh giá là bẩn nhất của con lợn
Phổi lợn
Nhiều người cho rằng ăn phổi lợn sẽ đỡ ho, bổ phổi nên thích dùng phổi lợn để nấu canh. Tuy nhiên theo trang Aboluowang, phổi lợn là một cơ quan không sạch, chúng là cơ quan hô hấp của lợn. Do môi trường sống của lợn cũng rất dễ nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng vì vậy phổi lợn rất dễ chứa lượng lớn vi khuẩn, bụi bẩn, nếu ăn vào sẽ không tốt cho cơ thể.
Gan lợn
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, gan là loại phủ tạng chứa nhiều chất đạm nhất, lại chứa nhiều vitamin A và sắt rất tốt cho trẻ em, phụ nữ mang thai cũng như phụ nữ trong độ tuổi sinh nở.
Tuy nhiên, ai cũng biết gan là cơ quan giải độc của lợn, hầu hết các chất độc trong cơ thể sẽ được gan phân hủy. Tuy nhiên, có nhiều kim loại nặng mà lợn hít hoặc ăn vào mà gan không thể phân hủy được, chúng tích tụ lại ở gan lợn và sẽ gây hại sức khỏe cho người ăn
Hơn nữa, gan lợn chứa nhiều cholesterol, nếu ăn quá 2-3 lần mỗi tuần sẽ gây thừa cân, béo phì, hại tim mạch.
Tốt nhất, bạn chỉ ăn gan của những động vật khi biết rõ nguồn gốc hoặc những nơi giết mổ đã qua kiểm dịch. Khi mua nên chọn loại còn tươi, ấn vào mặt gan còn đàn hồi tốt, bề mặt nhẵn. Mỗi lần ăn từ 50-70g/bữa đối với người lớn, còn trẻ em chỉ ăn từ 30-50g/bữa.
Lòng già lợn
Lòng già xào hay luộc đều là món ăn nhiều người yêu thích, tuy nhiên đây là một bộ phận được đánh giá là không sạch sẽ của lợn. Lòng già là nơi thải ra phân sau quá trình lợn tiêu hóa thức ăn vì vậy sẽ có mùi hơi khó chịu, hơn nữa chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng và khó làm sạch, có thể gây bệnh đường tiêu hóa cho người ăn. Ngoài ra, món lòng già cũng có chứa hàm lượng chất béo cao nên tiêu thụ lâu dài sẽ gây tăng mỡ máu.
Thịt ở cổ lợn
Theo tờ QQ, phần thịt ở cổ lợn nên được hạn chế sử dụng vì chúng có chứa nhiều hạch bạch huyết, các hạch này đều chứa mầm bệnh như vi khuẩn và virus, vừa có mùi hôi khó chịu lại còn có thể trực tiếp truyền bệnh vào cơ thể, rất khó tiêu diệt dù được nấu ở nhiệt độ cao. Để bảo vệ sức khỏe, khi đi chợ bạn nên tránh mua thịt cổ lợn, tuy nhiên nếu vẫn muốn ăn phần thịt này thì trước khi chế biến bạn cần loại bỏ các hạch bạch huyết này. Nếu không thể loại bỏ thì tốt nhất bạn không nên mua nó.
Ăn óc lợn vì "ăn gì bổ nấy"
Óc giàu Niacin, Phosphorus, B12, và Vitamin C. Tuy nhiên, theo thống kê, cứ 100g óc lợn có tới 2500 mg cholesterol, tức là gấp 8 lần nhu cầu cholesterol của một người một ngày.
Khi đó, thực phẩm này không giúp phát triển trí thông minh như nhiều người lầm tưởng mà còn gây béo phì cho người ăn, nhất là trẻ nhỏ, người rối loạn mỡ máu, tim mạch,… Còn chất đạm trong óc lợn chỉ có 9g/100g, thấp hơn rất nhiều so với các phần khác như thịt nạc.
Ăn tiết canh
Tiết của lợn nếu ăn chín sẽ không sao nhưng rất nhiều người có sở thích ăn tiết canh. Nếu lợn nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S.suis) (kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng không phát bệnh), trong máu lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn. Khi ăn tiết canh lợn chưa được nấu chín thì liên cầu khuẩn từ thức ăn sẽ xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh.
Ở Việt Nam, trên 70% bệnh nhân mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh lòng lợn. Người nhiễm bệnh có triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%.