500 triệu người mắc
Theo số liệu thống kê của Hội Thận học thế giới, ước tính khoảng 500 triệu người đang có vấn đề về bệnh lý mãn tính ở thận trên thế giới.
Khoảng 3 triệu người bệnh trên thế giới đang sống nhờ các biện pháp thay thế. Tại Việt Nam, chưa có số liệu thống kê chính thức song ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới.
Chính vì thế, ngày Thận thế giới được chọn vào ngày thứ 5 tuần thứ 2 của tháng 3 hàng năm để tuyên truyền giúp người dân hiểu biết hơn về bệnh thận và cách phòng bệnh hiệu quả.
PGS.TS. Trần Hồng Nghị, Khoa Nội Thận Khớp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết suy thận mạn có nghĩa là thận mất chức năng đào thải các chất độc hại và dịch dư thừa ra khỏi máu. Bệnh có tổn thương thận mạn tính có nghĩa là một tình trạng bệnh lý kéo dài.
Bác sĩ Nghị cho biết bình thường trong cơ thể, thận có chức năng lọc máu khỏi chất độc và dịch dư thừa thông qua nước tiểu. Suy thận mạn thường xuất hiện ở những bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường lâu năm.
Bởi vì những bệnh nhân đái tháo đường có tình trạng tăng nồng độ đường trong máu, dần dần quá trình này sẽ làm tổn thương các mạch máu nhỏ có chức năng dẫn các chất độc và dịch dư thừa tới thận. Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh thận mạn tính.
Còn đối với bệnh lý tăng huyết áp, tình trạng này sẽ gây tổn thương những mạch máu nhỏ một cách từ từ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến hàng thứ 2.
Ngoài đái tháo đường và tăng huyết áp, còn một số nguyên nhân khác gây ra bệnh lý suy thận như tắc mạch động mạch thận, bệnh thận đa nang, bệnh nhân bị các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, xơ cứng bì.
Những yếu tố nhiễm độc chì trong màu vẽ, các chất độc quân sự cũng làm mất chức năng lọc các chất độc của thận và dịch ứ lại gây hại cho cơ thể.
Suy thận mãn tính là bệnh âm thầm trong một thời gian dài. Bác sĩ Nghị cho biết nhiều bệnh nhân suy thận mạn tính không có triệu chứng rõ ràng. Thực tế triệu chứng sẽ không biểu hiện cho tới khi xuất hiện các tổn thương thận nặng nề. Bệnh nhân lúc này mới đến bệnh viện thì đã không thực hiện được chức năng của mình nữa.
Dấu hiệu của bệnh suy thận mạn
Với bệnh suy thận mạn tính, người bệnh thường có cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, nặng mí mắt, sưng nề hai chi dưới, sút cân ăn không ngon, nước tiểu có bọt hoặc màu sậm có thể màu như cocacola. Một số trường hợp bệnh nhân bị ngứa, nổi ban.
Với những dấu hiệu trên, người bệnh nên nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được bác sĩ khám. Trong trường hợp nghi ngờ bệnh lý về thận, thầy thuốc nghi ngờ có tổn thương thận, sẽ chỉ định xét nghiệm máu và nước tiểu để đánh giá khả năng lọc của thận.
Ngoài ra, người bệnh có thể siêu âm để đánh giá tình trạng tắc nghẽn đường niệu, hoặc sinh thiết để tìm nguyên nhân và đánh giá mức độ tổn thương thận. Sinh thiết là kỹ thuật lấy một phần rất nhỏ của thận bằng kim sinh thiết để đánh giá dưới kính hiển vi.
Bác sĩ Nghị cho biết không có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn suy thận mãn tính. Nhưng việc điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ các biến chứng. Điều quan trọng là cần chẩn đoán sớm, điều trị càng sớm sẽ giúp ngăn chặn sớm những tổn thương thận.
Xác định bệnh nhân bị suy thận, bác sĩ sẽ cho điều trị nguyên nhân gây suy thận mạn là then chốt. Đối với phần lớn các bệnh nhân là kiểm soát chặt chẽ đường máu và huyết áp bằng các thuốc và chế độ ăn uống, luyện tập, giảm cân, thay đổi thói quen sinh hoạt. Như vậy sẽ giúp làm chậm các tổn thương.
"Chất lượng cuộc sống của nhiều bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối rất tốt khi theo chỉ định của bác sỹ một cách chặt chẽ", bác sĩ Nghị thông tin.
Để phòng bệnh thận, người bệnh nên có lối sống lành mạnh, tăng cường tập thể dục để tránh đường huyết tăng, huyết áp tăng.