Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chính vì vậy nhiều chị em vẫn kiên quyết cho con mình bú sữa mẹ càng lâu càng tốt.
Tại sao phải bảo quản sữa trong tủ lạnh?
Chắc hẳn nhiều mẹ sẽ thắc mắc tại sao không cho con bú trực tiếp dòng sữa tươi ngon mà phải giữ trong tủ lạnh? Có nhiều lý do chúng ta phải lưu trữ.
Trong một cữ bú, em bé thường không bú được hết lượng sữa ở hai bên bầu ngực của mẹ. Số sữa thừa còn lại mẹ phải hút ra để ngăn chặn nguy cơ tắc tia sữa hoặc ít sữa.
Sữa sau khi vắt ra không thể để ở nhiệt độ phòng quá 4 tiếng (vì sẽ bị vi khuẩn tấn công, làm chua sữa) mà phải được bảo quản trong tủ lạnh.
Sau 6 tháng nghỉ thai sản, mẹ phải đi làm sẽ không cho con bú thường xuyên được. Khi đó, cách tốt nhất là vắt sữa, bảo quản sữa trong tủ lạnh để bé bú dần trong ngày.
Lúc này trẻ sẽ không trực tiếp bú mẹ nữa mà sẽ chọn cách hút sữa và bảo quản trong tủ lạnh. Và mỗi lần uống sữa sẽ là 1 quá trình nhiều công đoạn cần được tuân thủ các nguyên tắc nếu không sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của em bé.
Bảo quản sữa mẹ như thế nào là đúng cách?
Việc bảo quản sữa mẹ không đơn thuần là cứ cho vào bình hoặc túi, sau đó hâm nóng là xong.
1. Chuẩn bị dụng cụ: Hộp đựng, máy hút sữa, túi zip đựng sữa dùng 1 lần.
2. Chú ý lượng sữa mỗi túi: Mỗi túi chỉ nên trữ 60-120ml là tốt nhất, không nên dồn lại đầy cả miệng túi. Vì nếu đổ quá nhiều sữa vào túi, nó sẽ dễ bị vỡ khi đông cứng. Nếu túi zip bị rách thì nên vứt bỏ, vì nó có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn trong tủ lạnh.
3. Hút chân không: Nếu bạn có ý định trữ đông sữa mẹ, túi trữ sữa cần được hút hết không khí thừa bên trong.
4. Ghi rõ ràng ngày tháng: Trên mỗi túi sữa nên ghi rõ thời gian cụ thể dù là bảo quản sữa mẹ trong ngày hoặc là trữ đông. Để không bị lãng phí, bạn nên cho trẻ uống sữa trữ đông trước sữa mới vắt trong ngày.
5. Nếu có ý định cho trẻ bú sữa trong 3-5 ngày, đừng trữ đông: Sữa bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh tốt hơn sữa trữ đông, nhưng thời gian bảo quản trong tủ lạnh tương đối ngắn, nên cho trẻ ăn trong 3-5 ngày. Nếu sữa để ngăn mát ăn không hết thì bạn mới cần trữ đông.
Hướng dẫn rã đông sữa mẹ an toàn
Tuân thủ nguyên tắc vào trước, ra trước: Luôn rã đông trước bình sữa có ngày vắt lâu nhất ghi trên nhãn vì theo thời gian chất lượng sữa mẹ có thể giảm.
Cách rã đông sữa mẹ: Để bình sữa trong tủ lạnh qua đêm, nếu cần rã đông nhanh thì đặt vào chậu chứa nước ấm hoặc dưới vòi nước ấm đang chảy.
Không rã đông hoặc làm nóng sữa mẹ trong lò vi sóng: Nhiệt độ cao và vi sóng có thể phá hủy các chất dinh dưỡng, enzyme và kháng thể miễn dịch của sữa mẹ, ngoài ra còn làm bỏng miệng bé do các phần nóng lạnh không đều.
Sử dụng sữa mẹ trong vòng 24 giờ sau khi rã đông trong tủ lạnh: Thời gian được tính kể từ khi sữa đã tan hoàn toàn.
Khi sữa mẹ rã đông trở về nhiệt độ phòng hoặc được làm ấm sau thời gian lưu trữ, nên sử dụng trong vòng 2 giờ. Không trữ đông sữa mẹ lần nữa sau khi đã rã đông.
Hâm nóng sữa mẹ đúng cách
- Luôn giữ bình chứa kín trong khi hâm nóng.
- Làm ấm sữa mẹ bằng cách đặt bình chứa vào chậu nước ấm hoặc cho nước ấm (không nóng) chảy qua bình chứa trong vài phút.
- Không làm nóng sữa mẹ trực tiếp trên bếp hoặc trong lò vi sóng.
- Kiểm tra nhiệt độ của sữa mẹ trước khi cho bé bú bằng cách nhỏ vài giọt lên cổ tay. Độ ấm thích hợp là tương đương với thân nhiệt cơ thể.
Các yếu tố khác nhau, chẳng hạn như thể tích sữa, nhiệt độ phòng, nhiệt độ điều chỉnh trong tủ trữ sữa và độ sạch của môi trường, có thể ảnh hưởng đến thời gian bảo quản sữa mẹ một cách an toàn. Mặc dù đông lạnh có thể giữ thực phẩm được an toàn khi sử dụng trong thời hạn rất dài, tuy nhiên việc tuân thủ yêu cầu về thời hạn và cách lưu trữ sữa mẹ để đảm bảo sữa có chất lượng tốt nhất cho bé.
Lưu ý: Thời gian lưu trữ sữa là 4-6 giờ ở nhiệt độ phòng 19-26 độ C. Thời gian bảo quản sữa là 3-8 ngày trong ngăn đá tủ lạnh dưới -4 độ C, 2 tuần đối với nhiệt độ -15 độ C. Nếu là tủ đông chuyên dụng, thời gian bảo quản có thể đến 3-6 tháng, nhưng vẫn nên cho trẻ ăn càng sớm càng tốt, không nên để quá lâu.