Tôm nước ngọt còn gọi tôm đồng, tôm càng, ở các tỉnh phía Nam còn có tôm càng xanh (kích thước lớn hơn, dài khoảng 22cm, nặng trung bình 100 - 120g). Tôm càng rất được các bà nội trợ ưa chuộng vì thịt chắc vị ngọt, giá trị dinh dưỡng cao và có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Không chỉ vậy, trong Đông y, tôm đồng còn là vị thuốc chữa liệt dương yếu sinh lý, phụ nữ tắc sữa.
Thịt tôm càng tươi rất giàu protid, có lipid, Ca, P, Fe, vitamin B1, B2, vitamin PP,… Ngoài ra còn có cholesterol, melatonin, acid béo omega-3. Vỏ tôm có các polysaccharid. Theo Đông y, tôm đồng vị ngọt, tính ôn; vào can, thận. Có tác dụng bổ thận tráng dương, thông nhũ (lợi sữa), tiêu thoát mủ. Trị thận hư, liệt dương, tắc sữa mụn nhọt, áp-xe, các ổ viêm tấy mưng mủ... Hằng ngày có thể dùng 100 - 200g bằng cách nấu, luộc, hầm, xào, nướng, rán.
Sau đây là một số món ăn thuốc có tôm đồng:
Tôm xào lá hẹ: Tôm 125g, rau hẹ 200g thêm gia vị, xào chín. Dùng tốt cho nam giới liệt dương, suy giảm dục tính.
Canh tôm chân giò: Tôm 100 - 150g, rượu 250ml, chân giò 1 cái. Tôm bóc vỏ, cho rượu đun nhỏ lửa cho chín, chân giò làm sạch chặt miếng, thêm gia vị (có thể thêm khoai tây, cà rốt...) hầm chín nhừ. Dùng tốt cho sản phụ ít sữa tắc sữa; nam giới thận hư liệt dương.
Canh tôm hoàng kỳ: tôm càng 10 con, hoàng kỳ 20g, rau, đậu liều lượng thích hợp, thêm gia vị; nấu canh. Thích hợp cho người bị mụn nhọt đã vỡ mủ nhưng lâu ngày chưa hết sưng nề hoặc các sẹo mổ lâu liền.
Tôm chần rượu gạo: Tôm 300g (bỏ vỏ chần nước sôi), nghiền nát, khi ăn uống kèm rượu nhẹ hâm nóng; ngày 2 - 3 lần, kết hợp với ăn canh chân giò. Món này lợi sữa, rất tốt cho chị em sau đẻ ít sữa, tắc sữa.
Tôm xào rượu: Tôm càng tươi 100g (bóc vỏ, cắt nhỏ) xào với 20ml rượu trắng hoặc rang tôm rồi đảo lại với rượu; ăn trong ngày. Dùng cho sản phụ sau đẻ ít sữa.
Các nhà khoa học chiết chất chitosan từ vỏ tôm càng. Đây là một chất có tác động kích thích miễn dịch và chống khối u, như một chất kháng acid tự nhiên trong việc cải thiện khả năng hấp thu calci, giảm lượng acid uric trong máu, giảm cholesterol, làm nguyên liệu để pha chế thuốc bỏng.
Kiêng kỵ: Người âm hư hoả vượng, có các bệnh ngoài da (chàm chốc, dị ứng...) nên thận trọng.