Béo phì có thể được định nghĩa là tình trạng tích tụ chất béo một cách bất thường hoặc quá mức có thể làm suy giảm sức khỏe. Theo định nghĩa của CDC Hoa Kỳ, người thừa cân là người có chỉ số cơ thể BMI cao hơn 25. Còn người béo phì, chỉ số BMI trên 30.
BMI (Body Mass Index) là chỉ số khối cơ thể được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương của chiều cao (mét). Dấu hiệu để nhận biết tình trạng thừa cân béo phì là sự gia tăng trọng lượng cơ thể. Đặc biệt, khối lượng mỡ tích tụ ở phần đùi, bụng, eo, ngực, bắp tay, bắp chân… tăng lên một cách rõ ràng.
Nguyên nhân chính của thừa cân, béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Các chất dinh dưỡng được cung cấp quá nhiều mà sự tiêu hao lại quá ít dẫn đến tình trạng tích lũy mỡ. Các nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ béo phì ở nữ giới có xu hướng cao hơn nam giới.
Béo phì không chỉ đơn giản là vấn đề ngoại hình, nó ảnh hưởng tiêu cực rất lớn tới sức khỏe của bạn dù ở giới tính nào. Bao gồm suy giảm hệ miễn dịch, tăng bệnh lý tim mạch, dễ mắc tiểu đường, dễ bị bệnh rối loạn chuyển hóa, làm tăng nguy cơ ung thư, dễ mắc bệnh đường tiêu hóa và hô hấp, suy giảm trí nhớ, rối loạn nội tiết, giảm khả năng tình dục, xương khớp yếu, tăng nguy cơ mắc trầm cảm…
4 thói quen gây béo phì ít ai ngờ tới
Khi nhắc tới những hành vi, thói quen gây thừa cân, béo phì thì đa số mọi người đều nghĩ ngay tới chế độ ăn uống. Đương nhiên, chế độ ăn uống vẫn có vai trò chính trong việc kiểm soát cân nặng và nguy cơ béo phì của bạn. Nếu bạn thích ăn thịt, lười ăn rau, mê các món nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thích ăn khuya, mê đồ ngọt… thì thừa cân hay béo phì là không tránh khỏi.
Tuy nhiên, còn không ít nguyên nhân khác có thể dẫn tới tình trạng này, thậm chí một số thói quen còn gây bất ngờ:
1. Ngồi quá nhiều, lười vận động
Ngồi quá nhiều, nhất là ngồi lâu một chỗ là nguồn gốc của rất nhiều vấn đề sức khỏe, gồm, cả béo phì. Nếu bạn ngồi một chỗ suốt nhiều giờ liên tục, không vận động nhiều thì quá trình trao đổi chất sẽ bị gián đoạn dẫn tới tích tụ mỡ thừa quanh vùng eo, bụng. Đồng thời, việc này cũng khiến bạn dễ tăng cân hơn, vì trong khi ngồi tốc độ đốt cháy calories chỉ giảm xuống 1 calorie mỗi phút.
Tương tự, lười vận động cũng là con đường nhanh chóng đưa chúng ta đến với thừa cân, béo phì chỉ sau ăn uống vô tội vạ. Như đã nói, béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Cơ thể dung nạp thức ăn và tạo ra năng lượng trong quá trình trao đổi chất nhưng nếu bạn lười vận động thì những năng lượng này không được sử dụng hết nó sẽ hình thành mỡ thừa, tích tụ lại cơ thể và gây béo phì. Nhất là ở vùng mông, đùi, bụng.
2. Ăn quá nhanh hoặc không tập trung khi ăn
Nhiều nghiên cứu cho thấy những người ăn nhanh sẽ mắc nguy cơ thừa cân và béo phì cao hơn. Trong khi nhịp sống hiện đại khiến rất nhiều người phải ăn nhanh hơn, vội vàng hơn để quay lại với công việc, tiết kiệm thời gian. Cũng không ít người ăn nhanh chỉ vì thói quen hoặc sở thích.
Nhưng cần phải hiểu rằng não cần một khoảng thời gian nhất định để biết bạn đã ăn no. Vậy nên nếu bạn ăn quá nhanh, bộ não sẽ không kịp nhận ra bạn đã no và khiến bạn ăn nhiều hơn nhu cầu thật sự của cơ thể. Điều này có thể khiến bạn mập lên trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó cũng có nhiều người thường thích xem tivi, lướt web hoặc đọc báo trong bữa ăn để đỡ buồn chán. Tuy nhiên, việc không tập trung vào bữa ăn có thể khiến bạn ăn nhiều hơn mà không biết. Hơn nữa, những người không tập trung khi ăn cũng thường ăn vặt nhiều hơn sau bữa chính. Điều này có thể là do bản thân họ không nhận ra rằng mình đã ăn nhiều bao nhiêu trong suốt bữa ăn.
Lời khuyên là hãy cố gắng tránh xa các tác nhân gây xao nhãng như tivi hay điện thoại và tập trung tận hưởng hương vị của món ăn. Đồng thời hãy ăn chậm hơn, cắn miếng nhỏ và nhai kĩ hơn ngay từ hôm nay để khỏe mạnh và có vóc dáng như ý.
3. Thường xuyên căng thẳng
Có thể bạn chưa biết nhưng sự căng thẳng và lo âu cũng là một trong những “thủ phạm” gây ra tình trạng thừa cân, béo phì. Cụ thể, sự căng thẳng, lo lắng sẽ khiến cơ thể tạo ra peptit và chính hợp chất này sẽ thúc đẩy việc hình thành các khối mỡ, đặc biệt là những khối mỡ vùng bụng.
Đã có nhiều nghiên cứu về sự liên quan giữa căng thẳng và béo phì đã cho thấy những kết quả khá rõ ràng. Cùng một chế độ ăn giàu năng lượng nhưng những người hay lo lắng, buồn phiền sẽ có nguy cơ bị béo phì cao gấp đôi những người vui vẻ, lạc quan.
Vì vậy, hãy học cách suy nghĩ tích cực hơn, ưu tiên sức khỏe của mình và làm, việc kết hợp nghỉ ngơi hợp lý. Không nên để sự căng thẳng kéo dài, nếu stress cần nhanh chóng giải tỏa lành mạnh và vui vẻ trở lại. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải kiểm soát chế độ ăn rất nghiêm ngặt, đặc biệt trong giai đoạn stress. Bởi các nhà khoa học chỉ ra rằng khi bị căng thẳng hay buồn bã, rất nhiều người tìm tới đồ ăn như một phương pháp giải tỏa và dẫn tới béo phì không kiểm soát.
4. Thức khuya, thiếu ngủ
Đừng nghĩ rằng chỉ khi bạn ăn khuya thì mới thừa cân, béo phì. Chỉ riêng việc thức khuya, hoặc đi ngủ sớm nhưng ngủ không đủ giấc, hoặc ngủ nhiều tiếng mỗi ngày nhưng ngủ ít vào ban đêm cũng gây tăng cân, béo phì.
Lý do là những thói quen này gây rối loạn hormone, dễ dẫn tới rối loạn chuyển hóa hoặc béo phì. Cơ thể của bạn sẽ được sửa chữa và phục hồi dần trong khi ngủ. Nếu như bạn thức khuya, không ngủ đủ giấc một cách thường xuyên thì những hormone căng thẳng và yếu tố gây viêm khác sẽ bị giải phóng và phản ứng lại với chứng căng thẳng mãn tính. Trong đó phải kể đến hormone cortisol.
Loại hormone này giúp cho đường được giải phóng vào trong máu để giúp cho hoạt động của não bộ trở nên tốt hơn. Mặc dù vậy, tác dụng phụ mà loại hormone này gây ra sẽ khiến cho bạn rất dễ bị béo phì, thừa cân.
Trong một nghiên cứu tại Mỹ, các nhà khoa học đã phân tích thói quen ngủ của hơn 68.000 phụ nữ trong 16 năm. Họ phát hiện ra rằng những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ tăng cân cao hơn nhiều so với những người ngủ đủ 7 tiếng trở lên. Hơn nữa, những ngủ ít cũng có khả năng bị mỡ nội tạng cao. Chưa kể tới thức khuya, thiếu ngủ còn làm bạn tăng cảm giác thèm ăn, ăn khuya nhiều hơn.