3 lần thách cưới mới lấy được vợ
Cách đây 51 năm, ông Nguyễn Bá Thành (73 tuổi) được mai mối với bà Lê Thị Thu (69 tuổi) - cô gái cùng xóm. Năm đó, ông Thành là bộ đội ở mặt trận Trường Sơn, được nghỉ phép về thăm nhà. Gia đình giục cưới, giới thiệu nhiều cô gái nhưng ông Thành không ưng ai.
Cho đến một hôm, thím của ông Thành mới giới thiệu cho bà Thu, lúc đó đang là thiếu nữ được rất nhiều chàng trai trong xã theo đuổi. "Thím tôi bảo dễ cô này cũng phải đến chục mối, chắc không đến lượt cháu mình đâu", dẫu vậy, ông Thành vẫn tò mò muốn thím đưa cô gái đó đến nhà xem mặt.
Bà Thu - khi ấy đang đi làm đồng thì được thím ông Thành gọi vào. "Thím của ông ấy đến thuê tôi gánh chão buộc trâu với giá tiền cao gấp 10 lần ngày bình thường.
Tôi không hề biết bà ấy chỉ tìm cớ để dẫn tôi về nhà. Thế nên tôi cứ đi theo bà mà không chuẩn bị gì cả. Đến nơi, bà đặt cuộn chão vào lòng ông Thành rồi bảo: 'Chão đấy, mua đi'. Bấy giờ tôi mới biết bà ấy lừa mình đến để cho cháu trai xem mặt".
Lần đầu gặp ông Thành, bà Thu như đã trúng tiếng sét ái tình. Còn ông Thành cũng đã ưng ngay từ cái nhìn đầu tiên. "Tôi yêu ngay từ giây đầu tiên, dáng bà đậm đậm, tròn tròn, nước da trắng", ông Thành nói.
Rất nhanh sau đó, ông bà quyết định thưa chuyện cha mẹ cho phép tiến tới hôn nhân. Thế nhưng đám cưới của hai vợ chồng gặp nhiều trục trặc vì cha mẹ bà Thu liên tục thay đổi tiền thách cưới.
"Mẹ tôi lại nghe hàng xóm gàn, lấy chồng làng đó sẽ vất vả, con gái đi lấy chồng phải thách cao để còn mời làng xóm láng giềng. Thế là mẹ tôi đổi ý, đòi thêm 100 đồng nữa", bà Thu nói.
Sau lần đầu, ông Thành tiu nghỉu quay về nhà chuẩn bị. Lần thứ hai sang rước dâu, mẹ bà Thu lại thách thêm 100 đồng nữa, đám cưới lại bị hoãn. Phải đến lần thứ 3, ông mới chuẩn bị đầy đủ tiền theo yêu cầu của nhà gái và rước được vợ về nhà.
Cũng theo bà Thu, đám cưới thời chiến rất đơn giản, chỉ có mấy con gà, mấy ký thịt, không có áo cưới, chụp ảnh, bông tai hay đồ đạc gì nhiều. Bạn bè nếu tới chỉ tặng chú rể cô dâu đôi khăn tay, xoong nấu bột cho con.
Hôn nhân 51 năm "lãi" 6 người con hiếu thảo
7 ngày sau đám cưới, ông Thành chia tay vợ để ra tiền tuyến. Lần đi này, không biết khi nào ông mới trở lại. Ngày tiễn chỗng ra sân ga, bà Thu quyến luyến không nỡ rời. Cứ khi nào tàu đến, bà lại ôm ông khóc, nước mắt giàn giụa. "Cứ 2-3 lần như thế, tôi bị nhỡ tàu, không đi được", ông Thành nói.
Xa nhà được chừng 15 hôm, ông viết thư về cho bà. Cho tới giờ bà Thu vẫn nhớ từng chi tiết: "Nhận được thư em giữa chiều nóng bỏng/ Song tâm hồn anh đâu kém ngoài trời...". Cuộc hôn nhân thời chiến kéo dài bằng nỗi nhớ âm ỉ và những dòng thư tay như thế.
Ông Thành đi lính từ năm 1972, tới năm 1976 mới về nghỉ phép 1 tháng rồi lại đi biệt. Ông công tác tại đoàn 478, ở sân bay Tân Sơn Nhất tới năm 1979. Tám năm đằng đẵng ở nhà, bà Thu vẫn nguyện một lòng chờ chồng. Tới năm 1980, ông Thành đón vợ vào Sài Gòn thăm nơi làm việc. Trở về nhà, bà Thu sinh con gái đầu lòng.
Nghĩ cảnh vợ chồng mỗi người một nơi, năm 1981-1982, ông xuất ngũ và quyết định đón vợ con vào miền Nam để gia đình đoàn tụ. Bà Thu sau này sinh thêm 5 người con nữa, tất cả 4 gái 2 trai. Ba lần sinh liên tiếp, chỉ có một mình bà Thu vượt cạn, ông Thành đi công tác nên không ở bên.
Từ trong sâu thẳm, ông luôn biết ơn vợ vì đã dành hơn nửa cuộc đời để chăm sóc chồng con. 51 năm hôn nhân của ông bà giờ đã kết trái ngọt với 6 người con khôn lớn, trưởng thành, hiếu thảo với mẹ cha.
Ông gửi lời nhắn nhủ tới bà: "Nhìn lại quá khứ ngày xưa, tôi nghĩ giờ chúng tôi sẽ không bao giờ xa nhau được. Tôi mong chúng tôi sống lâu hơn nữa để được ở bên nhau nhiều hơn".