Vậy làm sao để nhận biết tràn dịch khớp gối, từ đó có hướng xử trí phù hợp, giảm bớt những đau đớn và tránh những biến chứng không đáng có?
Cùng tìm hiểu các dấu hiệu cảnh báo tràn dịch khớp gối cũng như nguyên nhân và phương pháp điều trị qua chia sẻ của của BSCKII. Lương Đình Hạ - Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.
1. Dấu hiệu của tràn dịch khớp gối
1.1. Khớp gối sưng nề
Đây là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất, khi quan sát và so sánh đầu gối ở 2 bên ta có thể thấy, một bên sưng nề, phình to hơn bên còn lại, kèm theo đó là các triệu chứng đau nhức.
1.2. Đau nhức khó chịu
Đau là triệu chứng có thể cảm nhận rất rõ nếu đầu gối bị tràn dịch khớp. Cơn đau thường kéo dài âm ỉ hoặc đau dữ dội. Mức độ đau tăng khi thời tiết lạnh, vận động mạnh và đau giảm nếu nghỉ ngơi hợp lý.
1.3. Hạn chế vận động khớp
Người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại, đứng lên ngồi xuống, leo cầu thang, co duỗi khớp hay chơi các môn thể thao vận động,… đôi khi không di chuyển được do đau nhức quá nhiều.
2. Các nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối
- Chấn thương: những va chạm mạnh ở khớp gối do tai nạn, té ngã, lao động nặng, vận động thể thao quá mức,… đều có thể là nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối.
- Thoái hóa khớp: Đây là nguyên nhân hay gặp gây tràn dịch khớp gối ở người lớn tuổi.
- Các bệnh lý khớp viêm: bệnh gút, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến…
- Nhiễm khuẩn khớp gối, lao khớp cũng là những nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối
3. Các xét nghiệm cần làm
- Xét nghiệm máu: giúp xác định tình trạng nhiễm khuẩn, các bệnh lý viêm khớp dạng thấp, gút…
- Chụp X quang: xác định các tổn thương như gãy xương, trật khớp, thoái hóa khớp
- Siêu âm khớp: xác định lượng dịch trong khớp, tình trạng viêm màng hoạt dịch, một số tổn thương gân, dây chằng
- Chụp cộng hưởng từ: xác định các tổn thương xương và phần mềm quanh khớp
- Xét nghiệm dịch khớp: xem tính chất dịch do viêm, nhiễm khuẩn , gút hay lao, ung thư…
4. Các phương pháp điều trị tràn dịch khớp gối
- Sử dụng thuốc: Sử dụng một số thuốc giảm đau chống viêm thông thường theo sự tư vấn của bác sĩ để cải thiện triệu chứng.
- Thuốc kháng sinh được chỉ định khi có biểu hiện nhiễm khuẩn.
- Tiêm nội khớp: tùy theo nguyên nhân và tình trạng cụ thể bác sĩ sẽ có chỉ định tiêm nội khớp với các chế phẩm phù hợp
- Chọc hút dịch khớp nếu tràn dịch nhiều. Việc chọc hút dịch khớp phải thật thận trọng và cần phải có bác sĩ giỏi chuyên môn và tay nghề thực hiện. Nếu việc chọc hút không đúng phương pháp sẽ rất dễ khiến cho khớp gối nhanh chóng bị nhiễm trùng và biến chứng nguy hiểm hơn.
- Nội soi khớp giúp chẩn đoán và điều trị các tổn thương như viêm màng hoạt dịch, tổn thương sụn khớp, dây chằng, thoái hóa khớp.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị tràn dịch khớp gối như kể trên người bệnh nên đến những cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và điều trị kịp thời.
BSCKII. Lương Đình Hạ - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, BV Hữu nghị Việt Tiệp