Chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn những mẹo đơn giản sau đây để giúp bạn có cách phản ứng lại tốt nhất đối với những lời chỉ trích và biến tất cả những lời lẽ không hay đó trở thành một trải nghiệm có lợi cho bạn.
Hãy nói "Vâng!"
Khi ai đó thách thức chúng ta, điều đầu tiên chúng ta cần làm là đối phó với chính cảm xúc của mình và đồng thời chấp nhận rằng đối phương có toàn quyền quyết định đối với ý kiến riêng của họ. Nếu một người đủ can đảm để bày tỏ điều gì đó mà thật ra anh ta cũng chẳng vui vẻ gì khi nói ra, điều đó có nghĩa là anh ta muốn có một cuộc trò chuyện với bạn và công nhận bạn có đủ tầm quan trọng với họ để giữ mối quan hệ. Đằng sau hành động này chứa đựng một sự chân thành rất lớn mà bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt khi so với ai đó chỉ hoàn toàn im lặng với bạn.
Hãy cố gắng nhìn nhận mọi thứ từ góc độ của người khác và tìm ra lập trường chung để có thể đồng ý với quan điểm của họ. Vì khi một người đưa ra lời chỉ trích, họ thường mong chờ một sự phản bác từ ta - đó là bản chất tâm lý của con người. Nhưng khi họ nghe thấy những từ như "Cảm ơn" thay vì kích động phản kháng, họ sẽ thấy mình bị "Bối rối", theo nghĩa tích cực.
Khi chúng ta nói “Vâng!” với lời chỉ trích, ta nên cố gắng để hiểu và nắm rõ về những gì đã xảy ra để có thể tạo ra một cuộc đối thoại thực sự mang tính xây dựng với đối phương.
"Nhưng..."
Sự chỉ trích không phải lúc nào cũng đúng với cách chúng ta nhìn nhận về tình hình. Do đó, điều quan trọng là phải nói lên lập trường của chính mình. Tuy nhiên, khi làm thế ta nên tập trung vào những thông tin khách quan, không nên cố gắng để biện minh hay bào chữa cho bản thân.
Như thế thì người mà chúng ta đang trò chuyện sẽ thấy rằng chúng ta đang nỗ lực để giải quyết vấn đề chung của cả hai. Thực tế là mọi người thường sẽ sẵn sàng chấp nhận hơn nhiều nếu tình huống được giải thích cho họ theo một cách tôn trọng. Điều này có thể giúp người khác nhìn nhận tình hình theo một hướng khác và cân nhắc về ý kiến của chúng ta.
Khi chúng ta sử dụng một từ “Nhưng“ đơn giản đó, nó giúp chúng ta tránh dễ dàng chấp nhận cái vị trí mà được tóm gọn trong một câu: ”Thế nào cũng được”. Ngay cả khi chúng ta nhận ra người khác có quyền chỉ trích mình đi nữa, không bắt buộc là ta phải chấp nhận tất cả những gì họ nói như là sự thật không thể bàn cãi.
"Hãy cùng..."
Khi chúng ta đã nghe xong những lời chỉ trích và bày tỏ quan điểm lập luận rõ ràng của mình, điều quan trọng là phải cố gắng đưa ra quyết định chung về việc cần làm tiếp theo. Để người kia hiểu rằng bạn không có ý định phản đối ý kiến hay cảm xúc riêng của họ, bạn cần đề xuất những ý tưởng phải cụ thể và mang tính xây dựng.
Nếu chúng ta đáp lại những lời chỉ trích theo cách này, thì sự phản hồi tiêu cực của người khác có thể sẽ mang lại tác động tích cực đến chúng ta, giúp chúng ta không chỉ tìm ra nhiều điều hữu ích mà còn nhìn ra được những cái đúng trong lĩnh vực mà ta đã sai. Quan trọng hơn nữa, cách làm này sẽ giúp chúng ta cải thiện mối quan hệ với những người khác.
Quyền được mắc sai lầm
Lắng nghe ai đó chỉ trích mình hiển nhiên không phải điều dễ dàng và càng khó hơn nữa để đảm bảo cuối cùng việc này đi đến kết cục tích cực. Một số người coi những lời chỉ trích thậm chí không đáng kể nhất là cơ sở để cắt đứt mối quan hệ, xem hầu hết bất cứ lời nhận xét tiêu cực nào cũng là một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với họ.
Nhưng một cá nhân càng trưởng thành thì anh ta sẽ càng cho phép người khác đưa ra nhiều ý kiến đa dạng về bản thân anh ta hơn cùng với những gì anh ta đã làm. Anh ấy nhận ra rằng anh ấy có quyền được mắc sai lầm. Khi nhận ra rằng mình có quyền được mắc sai lầm, chúng ta sẽ không còn muốn hao tốn sức lực để cố gắng che giấu chúng đi với chính bản thân mình và cả những người khác. Và càng ít sợ mắc lỗi, chúng ta sẽ càng ít căng thẳng hơn, từ đó ngày càng có nhiều cơ hội để đạt được thành công hơn.
Nếu chúng ta có thái độ sẵn sàng chấp nhận việc bị chỉ trích, thì chúng ta sẽ mở rộng hơn phạm vi những thông tin hữu ích mà mình thu hút, cùng vòng tròn mối quan hệ với những người sẽ tham gia vào cuộc sống của mình. Điều này cuối cùng cũng có nghĩa là chúng ta sẽ có thể tiến lên và phát triển hơn với tư cách cá nhân.