Bỏ quan viêm gan vi rút
Nguyễn T.Y. (25 tuổi, Hà Nội) phát hiện ung thư gan khi đi khám sức khoẻ định kỳ. Điều đó khiến Y. vô cùng hoang mang bởi cô còn quá trẻ. Khi bác sĩ tư vấn và chỉ ra thủ phạm, Y. không thể nào tin rằng sự thờ ơ của mình đã khiến cô còn trẻ đón nhận bệnh ung thư.
Y. kể, là sinh viên năm thứ nhất, cô phát hiện mình bị viêm gan vi rút B nhưng sau điều trị cô bỏ bẵng vì không thấy dấu hiệu của bệnh. Chỉ đến khi sụt cân đi kiểm tra, Y. mới hay mình bị ung thư gan giai đoạn 3.
Gần đây, cô thấy mệt mỏi, giảm cân. Một phần vì Y. đang tập thể dục, cô nghĩ do tập luyện nên giảm cân mà không ngờ rằng bệnh ung thư đang âm thầm ăn mòn từng tế bào gan của mình.
Mẹ của Y. mắc viêm gan vi rút và Y. nhiễm viêm gan lây từ mẹ. Tuy nhiên, nhiều năm trước viêm gan vi rút là điều gì đó rất mới mẻ và không có dấu hiệu bệnh nên Y. cũng chủ quan. Khi biết mình bị bệnh, mẹ Y. khóc hết nước mắt vì đã truyền cho con thứ vi rút kinh hoàng ăn mòn tế bào gan như thế.
Bản thân Y. lúc nào cũng ân hận, giá như cô quan tâm tới sức khoẻ nhiều hơn. Suốt thời gian sinh viên, Y. quên bẵng đi rằng mình từng bị viêm gan. Y. kể năm đó vàng da nên đi khám, bác sĩ chẩn đoán viêm gan B cho uống thuốc thải vi rút. Sau đó Y. đi kiểm tra lại thấy không còn vi rút.
Khi ở viện điều trị, Y. thấy nhiều người bị ung thư giống mình và cũng có tiền sử viêm gan vi rút. Có những người biết mình bị viêm gan vẫn đi kiểm tra sức khoẻ thường xuyên nhưng chỉ bỏ quên một thời gian ngắn đi khám đã có u trong gan.
Trường hợp của Y. bác sĩ lấy làm tiếc vì giai đoạn muộn, việc điều trị hiện nay chỉ can thiệp bằng xạ chọn lọc, bác sĩ không thể phẫu thuật cắt u gan.
20 triệu người Việt mang viêm gan vi rút
Theo PGS Trịnh Thị Ngọc, Phó chủ tịch Hội gan mật Hà Nội, tỷ lệ nhiễm viêm gan vi rút B và C ở nước ta đang rất cao. Đây chính là nguyên nhân gây ung thư gan hiện nay.
Trong số 5 bệnh ung thư phổ biến ở nước ta thì đến năm 2018, ung thư gan đã tăng vượt qua cả ung thư phổi. Ung thư gan hầu hết đều phát hiện ở giai đoạn muộn và có tới 70 -80% bệnh nhân ung thư gan mang viêm gan vi rút.
Khi bị viêm gan vi rút B, hầu hết mọi người không gặp bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính. Một số người vàng da và mắt (bệnh vàng da), nước tiểu đậm màu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn và đau bụng nhưng nghỉ ngơi bệnh sẽ hết. Chính vì thế, người bệnh thường không biết mình mang bệnh trong người hoặc nghĩ hết triệu chứng bệnh sẽ khỏi.
Trong khi đó, theo bác sĩ Ngọc, hơn 90% người trưởng thành khỏe mạnh bị nhiễm virus viêm gan B sẽ hồi phục và loại bỏ hoàn toàn vi rút trong vòng sáu tháng nhưng vẫn có khoảng 10 – 15% viêm gan chuyển sang mãn tính và dần dần tế bào gan phá huỷ gây xơ gan và ung thư gan.
Bác sĩ Ngọc cho biết muốn kiểm tra xem mình có mắc bệnh viêm gan B hay không chỉ có cách xét nghiệm sàng lọc viêm gan. Nếu chờ khi có biểu hiện vàng mắt, bụng chướng mới vào viện thì đã muộn.
Nên kiểm tra sức khỏe và làm các xét nghiệm định kỳ 6 tháng/lần có liên quan đến HBV như: HBsAg, HBeAg và xét nghiệm men gan để được theo dõi thật chặt chẽ đề phòng vi rút viêm gan B tái hoạt động trở lại.
Trẻ nhỏ sinh ra cần tiêm phòng đầy đủ vắc xin viêm gan B. Nếu nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ dưới 6 tuổi rất dễ trở thành mãn tính. Các thống kê cho thấy có tới 80-90% trẻ sơ sinh bị nhiễm vi rút viêm gan B từ mẹ qua đường sinh nở sẽ trở thành viêm gan vi rút B mãn tính, 30-50% trẻ bị nhiễm vi rút viêm gan B trước 6 tuổi sẽ trở nên nhiễm mãn tính.
Đường lây phổ biến của viêm gan B là lây từ mẹ sang con. Vì thế, phụ nữ mang thai cần xét nghiệm viêm gan B. Phụ nữ bị viêm gan B khi mang thai phải theo dõi chặt chẽ lượng hoạt động của vi rút, nếu cần thiết phải uống thuốc kháng vi rút.