Thủ phạm thuốc lá
Tại khoa ung bướu, Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương có nhiều bệnh nhân ung thư thanh quản. Theo PGS Lê Minh Kỳ - Trưởng khoa Ung bướu thì đa số các bệnh nhân ung thư thanh quản đang điều trị tại đây đều có tiền sử hút thuốc lá.
Trường hợp của anh Đào Văn M. – 39 tuổi, Nghệ An, được xem là trường hợp bệnh nhân trẻ. Anh M. cho biết anh hút thuốc từ năm 19 tuổi và đến nay đã hút thuốc 20 năm.
Lúc nào anh M. cũng nghĩ hút thuốc lá đẳng cấp mà không biết rằng nó đã thiêu đốt thanh quản của mình.
Cách đây 2 tháng, anh M. có biểu hiện khàn tiếng nhưng nghĩ do viêm họng nên chỉ điều trị viêm họng mà không đi bệnh viện. Tình trạng khàn tiếng ngày càng nặng hơn nhưng không rõ vì sao.
Thời gian này, ngày nào anh M. cũng đốt 1 bao thuốc vì không có thuốc anh thấy nhạt mồm, nhạt miệng. Tháng trước, anh đến một phòng khám khám. Bác sĩ nội soi tai mũi họng phát hiện có u sùi vùng thanh quản nên khuyên anh M tới bệnh viện lớn để kiểm tra.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ chẩn đoán anh M. bị ung thư thanh quản. Kết quả sinh thiết khối u thanh quản cũng chỉ ra đó là ung thư.
Anh M. được bác sĩ tư vấn phẫu thuật thanh quản tại Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương và đến nay đã được 1 tuần nhưng vẫn không nói được và bác sĩ cho biết để học nói anh M. mất ít nhất 2- 3 năm mới nói rõ được. Thậm chí, một số bệnh nhân ung thư thanh quản phát hiện muộn còn cắt cả thanh quản và vĩnh viễn không nói được.
Trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ khối u thanh quản, việc ăn, thở của ông Nguyễn Thanh H. (Thanh Trì, Hà Nội) hoàn toàn phụ thuộc vào ống xông đặt mở tại vùng yết hầu. Việc chăm sóc vô cùng khó khăn vì vết thương hở, thường chảy dịch. Theo vợ ông H., từ 3 tháng trước ông H. đã có dấu hiệu khàn tiếng, nhưng cứ ngỡ viêm họng vì ông có kèm theo ho.
Ông H. tự mua thuốc về uống nhưng mãi không đỡ mới đi khám. Bước đầu phát hiện có u sùi ở thanh quản, ông H. được giới thiệu đi khám chuyên sâu. Không ngờ, lên đến BV Tai Mũi Họng T.Ư, ông H. được chẩn đoán ung thư thanh quản, nhưng đã bước vào giai đoạn muộn nên buộc phải phẫu thuật mở, cắt phần dây thanh quản. Ông H. cũng hút thuốc lá gần 20 năm nay và đó là nguyên nhân khiến ông bị ung thư.
Gia tăng ung thư thanh quản
Theo PGS. Lê Minh Kỳ, Trưởng khoa Ung bướu, BV Tai Mũi Họng T.Ư, bệnh ung thư thanh quản ngày càng trẻ hóa, nếu trước kia chủ yếu ở nam giới thì giờ đây phụ nữ cũng mắc nhiều, thậm chí, có cháu 6 tuổi đã bị u thanh quản ác tính. “Với ung thư thanh quản, việc phát hiện sớm mang lại cơ hội điều trị hiệu quả, triệt căn ung thư, bảo tồn giọng nói… lên đến 90%”, ông Kỳ cho biết.
Riêng đối với căn bệnh ung thư thanh quản thì nguyên nhân do hút thuốc lá chiếm đến hơn 80%, do thuốc lá vào cơ thể khi tác động lên thanh quản dường như vẫn còn nguyên độc tố của nó nên gây ra ảnh hưởng và tác hại mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Những người hút thuốc lá có nguy cơ cao hơn rất nhiều nhũng người không hút thuốc lá. Nguy cơ này còn cao hơn ở những người hút thuốc kèm theo có nghiện rượu nặng.
Những người đã ngừng hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ bị ung thư thực quản cũng như ung thư phổi, khoang miệng, tuỵ, bàng quang và thực quản. Hơn nữa, từ bỏ thuốc lá làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư thứ hai vùng đầu mặt cổ ở những bệnh nhân đã bị ung thư thanh quản.
Việc chữa trị ung thư thanh quản sớm không chỉ có ý nghĩa tích cực trong việc nâng cao hiệu quả điều trị mà còn giảm thiểu được những chi phí cho bệnh nhân và người nhà. Nếu bệnh viêm thanh quản không được phát hiện và điều trị sớm dễ dẫn tới bệnh ung thư thanh quản. Ung thư thanh quản đang có xu hướng tăng nhanh, biến chứng lớn, tiên lượng bệnh xấu. Những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư thanh quản hướng điều trị thường là phẫu thuật cắt bỏ dây thanh, nguy cơ mất giọng thường chiếm tỉ lệ rất cao.