Mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng vô hạn, thành quả mà trẻ đạt được sau này phần lớn dựa vào cách giáo dục của cha mẹ. Tuy nhiên có hai kiểu cha mẹ khó tạo nên đứa con thành công:
1. Cha mẹ không có chí tiến thủ mà yêu cầu con phải chăm chỉ, giỏi giang
Dân gian từng lưu truyền câu chuyện về một đứa trẻ vì thành tích không tốt mà bị mẹ ví là con chim ngốc. Đứa trẻ không phục nói: Trên đời này có 3 loài chim ngốc, một là biết mình chậm nên bay trước, hai nghĩ sẽ mệt nên không bay. Người mẹ hỏi: "Loài thứ 3 thì sao?". Đứa trẻ nói: "Loài này đáng ghét nhất, tự mình bay không nổi liền đẻ một quả trứng để bay hộ mình".
Câu chuyện này châm biếm một bộ phận bố mẹ lười biếng, không cố gắng nhưng luôn đòi hỏi con mình phải giỏi giang. Đối với họ, công việc đều rất qua loa, có thời gian cũng chỉ xem tivi, chơi game, xem điện thoại... Không có hứng thú với bất kì sở thích nào, càng không nghĩ đến việc đọc sách, mở mang kiến thức.
Vậy là họ bắt đầu đặt kỳ vọng lên con cái để thỏa mãn hư vinh của bản thân: "Con phải học tập thật tốt, không được thua kém bố mẹ, biết chưa?", "Con phải làm thật tốt, cả gia đình sau này nhờ vào con".
Đây là một lối giáo dục ích kỷ. "Cá chép hóa rồng", không sai, nhưng một phụ huynh không tự nâng cao trình độ bản thân, thì không thể đủ lập trường để dạy đứa trẻ làm như vậy. Chỉ bằng lời nói miệng, hoàn toàn không đủ thuyết phục được trẻ.
Hơn nữa, đứa trẻ ngày ngày bị dội vào đầu kỳ vọng sẽ sinh ra một áp lực rất lớn. So với những trẻ hành trang vào đời nhẹ nhàng thì nhóm trẻ này sẽ thiếu một phần can đảm, tự tin và quyết đoán trên con đường trưởng thành.
Khi Mo Yan (nhà văn nổi tiếng Trung Quốc) đạt giải Nobel, ông nói rằng: "Điều đầu tiên mỗi người khi sinh ra nhận được chính là giáo dục gia đình, ảnh hưởng lớn nhất cũng là giáo dục gia đình. Đây là cách giáo dục bằng lời nói và hành động, tức là dạy người khác thế nào, mình phải làm như vậy. Bản thân tôi cũng cảm thấy giáo dục bằng hành động quan trọng hơn lời nói. Trong gia đình bạn sống, cách người lớn đối xử với công việc, với người khác có ảnh hưởng trực tiếp, vô thức làm thay đổi đứa trẻ".
Nhà văn và dịch giả nổi tiếng Yang Lan từng mô tả ảnh hưởng của cha mẹ đối với cô trong bài viết của mình: "Bố nói có tình có lý, xuất khẩu thành chương, ăn nói mạnh mẽ. Tôi vừa ngưỡng mộ, vừa tò mò, thỉnh giáo bí quyết, bố tôi nói: 'Bí quyết nào? Đọc nhiều sách, đọc thật nhiều cuốn sách hay mà thôi'. Mẹ vất vả làm việc nhà, nhưng lúc rảnh rỗi lại mang sách cổ điển và tiểu thuyết hiện đại ra đọc. Tôi học được từ bố mẹ điều đó và rất thích đọc sách từ nhỏ. Là một tấm gương cho trẻ, cha mẹ trước hết cần trưởng thành và cải thiện bản thân nhiều hơn con cái".
Sau khi làm cha mẹ, cũng đừng quên theo đuổi mục tiêu làm giàu tri thức cho bản thân, đó mới là cách giáo dục con có tính thuyết phục nhất.
2. Cha mẹ tự cho mình là đúng, không nhìn nhận lại mình, không chịu thay đổi
Trong bộ phim tài liệu "Gương", sản xuất tại Trung Quốc năm 2017, ba gia đình gặp rắc rối vì con cái bỏ học, không có lựa chọn nào khác ngoài việc gửi đến trường đặc biệt. Khi được tiếp cận lối giáo dục chạm đến tâm hồn, những đứa trẻ này lại trở về ngoan ngoãn, khác biệt hẳn trước đây. Bộ phim thể hiện rõ thông điệp trẻ em là tấm gương của gia đình và gia đình là tấm gương của xã hội. Những ông bố bà mẹ trong bộ phim tài liệu này đã thất bại trong việc dạy con, thậm chí biến con thành trẻ hư.
Sau khi xem phim, Yu Minhong (người sáng lập một tổ chức giáo dục) nói: "Trẻ em đều là những đứa trẻ ngoan, hãy xem cha mẹ có phải là cha mẹ tốt không".
Nhiều bậc cha mẹ mắc lỗi khi giáo dục con cái. Nhưng khi con phạm sai lầm, họ chỉ thường nhìn thấy lỗi của con và cố hết sức để thay đổi đứa trẻ mà không học cách thay đổi bản thân. Đây là kiểu cha mẹ không biết suy nghĩ và ngoan cố.
Họ luôn đưa ra lý do cho sự thất bại: "Con tôi đến trường tất cả đều dựa vào giáo viên", "Tôi không học cao, không biết dạy con", "Tôi rất bận rộn không có thời gian để giáo dục con cái"... Hay như dưới mỗi bài viết dạy con, kiểu gì cũng có một số bình luận: "Nói thì dễ, nhưng có mấy người làm được"; "Tôi đã làm qua như vậy, nhưng vẫn không tốt lên"...
Trong xã hội, hiện tượng thờ ơ, nhẹ dạ, ca ngợi quá mức, kỳ vọng quá mức và không quan tâm đến con cái vẫn còn phổ biến.
Khi một đứa trẻ có vấn đề, đầu tiên cha mẹ hãy nghĩ về hành vi của mình, xem mình có sai không. Chẳng hạn, hành vi nói dối của trẻ, có thể xuất phát từ việc cha mẹ quá nghiêm khắc khiến trẻ phải nói dối để không bị mắng.
Không có cha mẹ sinh ra đã hoàn hảo để giáo dục con cái, nhưng chắc chắn rất khó để giáo dục con cái nếu cha mẹ ngừng học tập và từ chối trưởng thành.