Mỗi đồ dùng gia đình hay đồ dùng nhà bếp được làm từ các vật liệu khác nhau sẽ có các cách sử dụng, vệ sinh và bảo quản phù hợp với mỗi chất liệu để đảm bảo chúng luôn trong tình trạng tốt, có độ bền cao. Tuy nhiên, chỉ bằng một vài việc làm tưởng chừng như đơn giản mà chị em chúng ta vô tình làm giảm tuổi thọ của các đồ dùng đó lúc nào không hay.
Hãy từ bỏ ngay 11 thói quen này để những đồ dùng nhà bếp của gia đình bạn luôn bền, sáng bóng như mới nhé.
1. Sử dụng đồ dùng trong trạng thái nóng-lạnh đột ngột
Một chiếc nắp nồi bằng thủy tin mới được bạn rửa sạch sẽ bằng nước lạnh, nhưng ngay sau đó bạn lại dùng chiếc nắp này để đậy nồi đang nấu trên bếp với nhiệt độ tới 100 độ C. Đây là một sai lầm hầu như chị em nào cũng mắc phải trong nhà bếp, gây ra sự thay đổi nhiệt độ đột ngột tác động lên đồ dùng nhà bếp, khiến chúng bị nứt, vỡ, hay biến dạng,…
Thông thường, nồi, chảo (và nắp đậy) không phản ứng tốt với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, bởi vậy hãy tránh việc rửa bát đĩa nóng bằng nước lạnh, đổ chất lỏng lạnh vào chảo đang nóng hay thậm chí đun nóng một món ăn trên bếp ngay sau khi lấy ra khỏi tủ lạnh.
2. Đặt nồi trên lửa quá lớn
Bạn có biết việc nồi, chảo, xoong tiếp xúc với lửa quá lớn hay quá nóng không chỉ khiến cho nồi mất đi tính thẩm mỹ mà còn giảm tuổi thọ của chúng?
Việc mở lửa quá lớn sẽ gây ảnh hưởng đến đồ dùng nhà bếp của gia đình bạn, thể hiện ở những dấu hiệu khác nhau với các chất liệu khác nhau. Với thép không gỉ bạn sẽ thấy xuất hiện những “vết bẩn cầu vồng”, hoặc với nồi chống dính sẽ mất đi tác dụng chống dính sau nhiều lần “quá lửa”,…
3. Sử dụng sai mục đích
Một con dao không thể được sử dụng để mở nắp chai, lọ; thớt nhựa không nên được đặt trên nồi nóng hay những bề mặt đang có mức nhiệt cao; hộp nhựa chỉ có thể sử dụng để lưu trữ những thực phẩm không còn nóng trong tủ lạnh,…
Đó là những nguyên tắc nhất định chị em phải nhớ để sử dụng đồ dùng nhà bếp sao cho đúng mục đích của chúng.
4. Dao nhọn sắc dùng cho thớt đá
Thớt bằng đá cẩm thạch trông thì thật đẹp và bắt mắt, khiến cho căn bếp của bạn “sang” hơn nhiều nhưng có lẽ đó là công dụng duy nhất của loại thớt này. Bởi dao nhọn sắc không nên được sử dụng cùng thớt đá, hãy thay thế bằng những chiếc thớt gỗ tiện lợi.
5. Lưu trữ đồ dùng không đúng cách
Sau khi rửa bát xong, hãy đảm bảo bát đĩa, xoong nồi và dụng cụ làm bếp được lưu trữ ở nơi thoáng mát, khô ráo và không bị chồng chéo lên nhau như thế này. Việc chồng chéo quá nhiều đồ dùng có thể khiến chúng bị ẩm, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát sinh. Hơn nữa, việc này còn khiến cho bạn gặp khó khăn mỗi khi tìm kiếm một thứ đồ dùng gì đó đang bị “chôn vùi” trong giá bát ngổn ngang kia.
6. Gây mùi hôi khó chịu
Để tránh gây mùi hôi khó chịu trong nhà bếp, hãy luôn nhớ rằng:
- Đồ dùng nhà bếp có mùi hôi nếu không có không khí trong lành, vì vậy hãy bảo quản đồ dùng bếp ở nơi khô thoáng. Đặc biệt lưu ý với các loại nồi gốm, đất bởi chúng lưu lại mùi rất lâu, hãy luôn mở nắp để nồi thoáng khí.
- Những miếng bọt biển dùng để rửa bát cần được vệ sinh thật sạch sẽ sau khi sử dụng và thay thường xuyên.
- Không để bất cứ loại thức ăn nào trong thời gian quá lâu, hãy vứt bỏ khi thấy bạn không thể dùng chúng nữa.
7. Rửa nồi gang sai cách
Gang là một chất liệu phản ứng cực mạnh với nước hay hóa chất. Nếu bạn ngâm nồi, chảo gang trong nước hoặc sử dụng loại chất tẩy rửa quá mạnh để vệ sinh chảo gang, chúng sẽ bị mất đi lớp bảo vệ và trở nên han gỉ.
8. Ngâm thớt gỗ trong nước quá lâu
Việc chị em thường ngâm thớt gỗ trong nước với mục đích loại bỏ bớt dầu mỡ hay thức ăn dính trên thớt vô tình lại khiến chúng nhanh hỏng hơn. Thớt gỗ ngâm nước trong một thời gian dài gây ra các vết bẩn, vết nứt, và sự lây lan của vi trùng.
9. Lạm dụng axit
Giấm và chanh là các nguyên liệu có tính axit cao nhưng không gây nguy hiểm, thường được sử dụng để làm sạch và vệ sinh nhà bếp và các dụng cụ bếp. Tuy nhiên nếu bạn để giấm trong dụng cụ bằng nhôm quá lâu, sẽ gây ra phản ứng hóa học khiến nhôm bị gỉ sét, tạo ra cặn bẩn và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi bạn sử dụng.
10. Vô tình gây ra các vết trầy xước trên bề mặt chảo
Những vết xước trên chảo chống dính có thể vô tình bị gây ra bởi bất kỳ nguyên nhân nào. Đôi khi do xương gà, heo từ các món ăn mà bạn chế biến, từ thìa, dĩa hay các dụng cụ làm bếp hay thậm chí là do thức ăn thừa “ẩn sau” miếng bọt biển rửa bát của nhà bạn,…
11. Sử dụng máy rửa bát/ chén
Máy rửa bát/ chén hiện nay được rất nhiều chị em nội trợ tin dùng bởi sự tiện lợi và hỗ trợ phần nào cho công việc nhà. Tuy nhiên, đây lại chính là “thủ phạm” gây ra những vết xước, hỏng, hay mất thẩm mỹ trên đồ dùng nhà bếp của gia đình bạn.
Những đồ dùng bằng bạc, nhôm bị xỉn màu, cốc chén pha lê bị nứt, thớt gỗ bị hỏng vì ngâm quá lâu trong nước,… Hãy sử dụng máy rửa bát một cách hợp lý và thông minh, lựa chọn mức độ rửa phù hợp để đảm bảo độ bền cho dụng cụ nhà bếp của gia đình nhé.