Cà chua là loại quả quá quen thuộc với người Việt. Không chỉ ăn sống, loại quả này có thể được chế biến thành nhiều món ăn, hoặc ép lấy nước.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một quả cà chua sống cỡ vừa chứa khoảng 22 calo, 1g chất béo. Cà chua ít natri, có chỉ số đường huyết thấp (6 mg natri và 3 g đường), cung cấp một số dưỡng chất nên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Dưới đây là một số tác dụng điển hình của loại quả này:
Hạ đường huyết
Với những người bị tiểu đường tuýp 2, cà chua là một loại thực phẩm cần được đưa vào chế độ ăn uống. Crom trong cà chua hoạt động như một loại khoáng chất kiểm soát lượng đường trong máu.
Trong một nghiên cứu, những người mắc bệnh tiểu đường được bổ sung cà chua nấu chín trong 30 ngày. Kết quả cho thấy cà chua đã làm giảm quá trình peroxy hóa lipid – một phản ứng dây chuyền trong đó các gốc tự do tấn công chất béo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Điều này đặc biệt quan trọng với sức khỏe vì bệnh tiểu đường làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ và đau tim.
Ngoài ra, thành phần chất xơ trong cà chua làm chậm sự hấp thụ đường ở ruột. Vả lại, thành phần carbohydrate (chất bột đường) trong cà chua rất thấp. Điều này có tác dụng làm ổn định lượng đường trong máu.
Chống ung thư
Theo Healthline, cà chua có đặc tính chống lại các tế bào gây ung thư, đặc biệt là tế bào ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Chúng rất giàu beta carotene, một hoạt chất có khả năng ngăn ngừa và điều trị ung thư vú hiệu quả.
Ngoài ra, cà chua còn rất giàu naringin và naringenin, các chất có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm, chống lại chứng stress oxy hóa và sự tấn công của các gốc tự do trong cơ thể. Nhờ đó, loại thực phẩm này có khả năng bảo vệ cơ thể trước các bệnh như ung thư, tiểu đường, bệnh tim và thận.
Giảm nguy cơ mất trí nhớ
Kali cung cấp năng lượng cho tim và đóng vai trò trong chức năng thần kinh toàn cơ thể. Kali còn có khả năng ngăn ngừa suy giảm nhận thức và chứng mất trí nhớ ở người cao tuổi.
Lutein và zeaxanthin thuộc nhóm carotenoid chịu trách nhiệm tạo màu sắc đặc trưng cho rau củ quả như cà chua. Những chất này cũng ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ, ngăn ngừa chứng mất trí nhớ.
Tốt cho tim mạch
Lycopene là một chất chống oxy hóa có thể bảo vệ các tế bào trong cơ thể bạn khỏi quá trình oxy hóa. Nghiên cứu "So sánh bằng chứng lâm sàng về việc tiêu thụ cà chua và bổ sung lycopene phòng nguy cơ tim mạch", năm 2014, cho thấy những người ăn thực phẩm chứa lycopene có nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và đột quỵ thấp hơn.
Lycopene cũng có thể đóng một vai trò trong việc giảm mức cholesterol xấu và huyết áp nên khả năng mắc bệnh tim cũng giảm. Ngoài ra, cà chua là một nguồn giàu vitamin và chất dinh dưỡng khác, chẳng hạn như vitamin B, E và flavonoid, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.
Cải thiện thị lực
Ngoài lycopene, cà chua còn chứa một số chất dinh dưỡng khác như lutein và beta-carotene, đều tốt cho mắt. Một nghiên cứu chứng minh chất dinh dưỡng này bảo vệ mắt khỏi các bệnh như đục thủy tinh thể, đồng thời hỗ trợ sức khỏe thị lực tổng thể.
Cà chua cũng chứa các chất, đặc biệt là zeaxanthin và lutein, có lợi trong việc bảo vệ thị lực khỏi ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại thông minh. Chúng cũng giúp giảm đau đầu do mỏi mắt.
Làm chậm quá trình lão hóa
Trong quả cà chua rất giàu vitamin nhóm B, gồm B1, B3, B5, B6, B9. Các vitamin B này có đặc tính chống lão hóa, làm giảm các đốm đồi mồi, nếp nhăn và giảm chứng tăng sắc tố da và tác hại của ánh nắng mặt trời.
Lycopene có trong cà chua cũng giúp bạn có được làn da săn chắc hơn, vì nó ức chế tác dụng của collagenase, một loại enzyme phá vỡ collagen trong da của bạn.
Duy trì cân nặng
Cà chua tươi là thực phẩm ít calo (một quả cà chua cỡ trung bình cung cấp khoảng 22 calo), có hàm lượng chất xơ và nước cao, có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn và duy trì cân nặng hợp lý.
Cà chua đóng hộp có các đặc tính tương tự, miễn là chúng đã được chế biến mà không thêm đường và natri (hãy kiểm tra nhãn thành phần dinh dưỡng để chắc chắn điều này.
Tổng hợp