Ngày 21/9, Báo Tuổi Trẻ đăng bài viết phản ánh Công ty CP Sản xuất thương mại Đông A (TP Thủ Đức, TP.HCM) nhập nấm từ Trung Quốc về xé bỏ bao bì, gắn mác VietGAP rồi phân phối tại hệ thống Bách Hóa Xanh. Trưa cùng ngày, đại diện Bách Hóa Xanh thừa nhận ký hợp đồng mặt hàng với Đông A. Đơn vị đã thu hồi, ngưng bán toàn bộ hàng hóa của Đông A, đồng thời yêu cầu công ty này giải trình về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và quy trình cung ứng. Bên cạnh đó, hệ thống cam kết rà soát toàn bộ nhà cung cấp khác để kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng hóa đầu vào.
Trước đó, 3 hệ thống bán lẻ khác gồm WinCommerce, TikiNGON, 3Sạch bán hàng hóa của các nhà cung cấp là Công ty CP ĐT & SX Nông Sản Trình Nhi và Công ty TNHH Nông sản sạch Hugofarm cũng được nêu tên. Các doanh nghiệp sau đó đã rút hàng hóa và ngừng hợp tác với những nhà cung cấp vi phạm. Riêng chuỗi thực phẩm 3Sạch khẳng định đã và đang liên hệ với tất cả khách hàng có hóa đơn mua rau để đền bù về tinh thần và vật chất.
Nếu các đơn vị cung ứng thực phẩm có hành vi gian dối khách hàng, họ có thể bị xử lý ra sao?
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Giám đốc Công ty Luật Hãng Luật Hưng Yên) đánh giá đây là vụ việc nghiêm trọng, tồn tại rất nhiều vấn đề, tác động xấu tới tâm lý, gây mất lòng tin của người tiêu dùng đối với những sản phẩm, chuỗi cửa hàng này. Việc nấm Trung Quốc được bóc nhãn và gắn tem VietGAP thể hiện sự gian dối trong việc công bố nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, có dấu hiệu của hành vi lừa dối khách hàng.
Bình luận về tội Lừa dối khách hàng theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015, ông Quynh cho biết người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác, đã bị xử phạt hành chính hoặc thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý về tội danh này.
Trường hợp số tiền thu lợi bất chính dưới 50 triệu đồng, khung hình phạt sẽ là phạt tiền 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, còn nếu hành vi thuộc tình tiết định khung thu lợi bất chính trên 50 triệu đồng, có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp hoặc sử dụng thủ đoạn xảo quyệt, khung hình phạt sẽ là phạt tiền 100-500 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm.
"Hành vi bóc nhãn sản phẩm và gắn tem VietGAP đã che giấu nguồn gốc sản phẩm, có thể xếp vào nhóm thủ đoạn gian dối khác thuộc tội Lừa dối khách hàng trong Bộ luật Hình sự 2015. Hành vi này gây thiệt hại, xâm phạm nghiêm trọng tới quyền lợi khách hàng cũng như giúp đơn vị cung cấp, chuỗi cửa hàng thu lợi bất chính với lợi nhuận cao gấp nhiều lần giá trị sản phẩm. Trên cơ sở nguồn tin từ báo chí, cơ quan tiến hành tố tụng cần khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong vụ việc", luật sư Quynh phân tích.
Theo ông Quynh, số tiền thu lợi bất chính sẽ là yếu tố quan trọng xác định dấu hiệu tội phạm cũng như tình tiết định khung trong vụ việc này. Luật sư đánh giá việc xác định lợi nhuận không khó bởi tất cả khách hàng khi giao dịch đều để lại thông tin, số điện thoại và lịch sử giao dịch. Những số liệu này sẽ thể hiện thời điểm và số tiền mà mỗi khách hàng bị lừa dối, từ đó truy xuất trách nhiệm của nhà cung cấp sản phẩm và chuỗi cửa hàng. Nếu cần thiết, cơ quan chức năng có thể dễ dàng sao kê những nội dung này.
Bình luận thêm về vụ việc, luật sư cho biết về nguyên tắc, khi một sản phẩm đăng ký và muốn được cấp chứng chỉ VietGAP thì phải làm đúng quy trình, tuân thủ bộ tiêu chí nuôi trồng, kiểm định theo bộ quy chuẩn này. Khi được đăng ký và chứng nhận, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm sẽ được dán tem VietGAP và có mã QR để người tiêu dùng cũng như các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.
Việc dán tem VietGAP lên các mặt hàng được lấy từ Trung Quốc hay các chợ đầu mối, không rõ nguồn gốc xuất xứ rồi đem bán tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng là hành vi vi phạm pháp luật. Để xem xét trách nhiệm pháp lý trong việc dán tem, cần xác định công đoạn này do ai thực hiện và mục đích của họ là gì, từ đó làm rõ trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Nếu xác định việc họ làm giả thông tin, nhãn mác sản phẩm là để che giấu xuất xứ sản phẩm thì đây sẽ được coi là một công đoạn trong chuỗi hành vi, là một thủ đoạn nhằm lừa dối khách hàng. Khi đó, cá nhân liên quan sẽ chịu trách nhiệm theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 mà không bị xử lý thêm tội danh khác. Còn nếu việc làm giả thông tin nhằm làm giả quy trình của VietGAP, họ có thể bị xem xét xử lý thêm về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
"Về trách nhiệm của đơn vị có thẩm quyền cấp chứng chỉ VietGAP, cần xem xét có hay không mối quan hệ giữa họ với các đơn vị cung ứng sản phẩm. Ví dụ một cơ sở trồng rau không đăng ký theo quy trình sản xuất, cung ứng, nuôi trồng theo bộ tiêu chí VietGAP nhưng khi có sản phẩm người ta lại dán tem VietGAP thì khó có căn cứ xử lý đơn vị có thẩm quyền cấp phép do điều này nằm ngoài kiểm soát của họ. Ngược lại, nếu có mối liên quan, những cá nhân liên quan có thể bị xem xét trách nhiệm", ông Quynh bình luận.