Nội dung bài viết
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết
Không biết phong tục này có từ bao giờ, chỉ biết cứ vào khoảng 28 tháng Chạp âm lịch, nhà nhà đều cho bày biện một mâm ngũ quả kèm với nhiều sản vật khác trên bàn thờ. Mâm ngũ quả thường bày trên một cái mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân, gọi là mâm bồng.
Nếu không có mâm bồng, có thể bày trên một cái đĩa to, nhưng phải đặt trên chồng bánh chưng để tạo dáng cao, uy nghiêm, thành kính - Ảnh minh họa: Internet
Thường người ta sẽ chưng 5 loại trái cây, con số này ẩn chứa ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết mà không phải ai cũng để ý.
- Theo thuyết duy vật cổ đại, mọi loại vật chất đều được tạo thành bởi 5 yếu tố là kim loại (Kim), gỗ (Mộc), nước (Thủy), lửa (Hỏa) và đất (Thổ) – gọi là Ngũ Hành. Tục lệ bày mâm quả với 5 loại khác nhau trên bàn thờ ngày Tết cũng được xuất phát từ quan niệm này.
- Con số 5 nhằm thể hiện ước muốn của người Việt Nam là sẽ đạt được ngũ phúc lâm môn : Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh.
- 5 màu sắc còn mang nghĩa nguồn của cải 5 phương mang về để kính lên tiên tổ. Màu xanh tượng trưng Đông phương, màu vàng tượng trưng Trung phương, màu đỏ tượng trưng Nam phương, còn màu trắng là tượng trưng cho Tây phương, thêm một loại quả có màu sắc sẫm khác là tượng trưng cho Bắc phương.
- Theo quan niệm nhà Phật thì trái cây 5 màu tượng trưng cho “ngũ thiện căn” theo quan niệm nhà Phật gồm tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).
Tại sao lại là 5 loại quả mà không phải là con số nào khác? Trong văn hóa phương Đông, nhiều quy luật tự nhiên được gắn với chữ “Ngũ” như Ngũ Hành, ngũ cốc, ngũ quan, ngũ vị, ngũ tạng… Số 5 tượng trưng cho sự sống, sự đầy đủ và 5 loại quả cũng ứng với thuyết Ngũ Hành - Ảnh minh họa: Internet
Gọi là ngũ quả nhưng thật ra chẳng ai biết rõ quy định đó là những loại quả gì. Tùy từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả để “thiết kế” mâm ngũ quả ngày Tết.
Tuy nhiên, dù là loại quả gì, mâm ngũ quả vẫn mang một ý nghĩa chung: Dâng cúng tổ tiên, thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia sự. Mỗi loại quả đều có mùi vị, màu sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa nhất định - Ảnh minh họa: Internet
Mâm ngũ quả ngày Tết ở 3 miền
Như đã nói, tùy vào đặc điểm mỗi miền mà người ta có cách chưng bày mâm ngũ quả khác nhau. Dù có sự khác biệt về thành phần nhưng ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết vẫn không thay đổi.
Mâm ngũ quả miền Bắc
Các loại quả không thể thiếu khi bày mâm ngũ quả miền Bắc bao gồm chuối, bưởi (hoặc quả phật thủ), cam, quất, đào, hồng, táo, lựu…
- Nải chuối hoặc quả phật thủ có ý nghĩa thể hiện sự che chở của trời phật cho con người.
- Bưởi, cam thể hiện sự trọn vẹn, hứa hẹn năm mới tốt lành phúc lộc viên mãn.
- Quất thể hiện sự sung túc, đa lộc.
- Đào, hồng thể hiện sự hồng hào, thăng tiến và thành đạt.
- Táo có ý nghĩa là phú quý.
- Lựu có ý nghĩa tượng trưng cho con đàn cháu đống.
Cách trình bày truyền thống thường gặp là nải chuối đặt ở dưới cùng để đỡ lấy toàn bộ những loại quả khác. Chính giữa nải chuối xanh thẫm là quả bưởi tròn căng mọng hoặc quả phật thủ có màu vàng đẹp mắt. Những quả nhỏ hơn như cam, quất, hồng… sẽ xếp xen kẽ xung quanh.
Sự sắp xếp hợp lý giữa màu sắc và kích thước của các loại quả sẽ mang lại sự hài hòa đẹp mắt và hợp phong thủy cho mâm ngũ quả - Ảnh minh họa: Internet
Mâm ngũ quả miền Nam
Các loại quả chủ yếu để bày mâm ngũ quả bao gồm: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Những trái này đọc lái đi sẽ thành “cầu- vừa- đủ- xài- sung”, thể hiện mong muốn vừa đủ cho sự đủ đầy sung túc.
Cũng theo cách đọc lái này mà người miền Nam không dùng chuối hoặc cam quýt để bày mâm ngũ quả như người miền Bắc. Bởi từ chuối có phát âm giống với “chúi” (có nghĩa không ngẩng đầu lên được, làm ăn không may mắn), với quả cam, quýt thì có câu “quýt làm cam chịu”. Ngoài ra mâm ngũ quả miền Nam còn có thêm một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng tượng trưng cho sự may mắn và trái thơm (quả dứa) để tượng trưng cho con cái đủ đầy.
Cách bày đơn giản là chọn những trái lớn như đu đủ, dừa, mãng cầu đặt lên mâm trước để lấy thế. Sau đó bày những quả nhỏ hơn lên trên, sắp xếp hợp lý để mâm ngũ quả có hình thù giống như một ngọn tháp. Riêng cặp dưa hấu thì được dùng để đặt hai bên sau khi mâm ngũ quả đã hoàn thành - Ảnh minh họa: Internet
Mâm ngũ quả miền Trung
Nếu mâm ngũ quả hai miền Nam Bắc có sự khác biệt thì ở vị trí nằm giữa, mâm ngũ quả miền Trung lại có sự giao thoa của hai vùng miền này. Các loại quả thường được bày rất đa dạng phong phú, bao gồm chuối, bưởi, xoài, dưa hấu, cam, táo, nho, sung, dứa, mãng cầu…
Cách bày trí cũng đơn giản theo hình thức quả to và nặng đặt ở dưới làm đế, tiếp đó là những quả có trọng lượng nhỏ hơn được chèn bên trên hoặc xen kẽ vào chỗ trống.
Nhiều gia đình còn cài xen kẽ những bông hoa cúc vàng tươi vào mâm ngũ quả để cho đẹp mắt hơn - Ảnh minh họa: Internet
Gợi ý cách chọn quả cho mâm ngũ quả ngày Tết
Dưa hấu
Muốn chọn dưa ngon, trước tiên cần quan sát núm phải đều, hơi lõm xuống. Cuống nhỏ là do dưa già nên héo quắt lại, khác với quả dưa gấp, bán hái non để lâu cuống cũng héo nhưng không quắt lại. Tiếp theo nên kết hợp quan sát vỏ dưa: Trái dưa già, chín cuống héo phần vỏ ngoài căng bóng, dưa hấu còn non dù có lau chùi cách mấy cũng không giấu được vẻ nhăn nheo do dưa héo.
Phần ngoài vỏ thấy được những lằn chỉ chạy từ núm dưa xuống dưới tựa như trái dưa được phân ra làm nhiều múi. Đây là trái dưa thật chín, ăn ngon, ngọt, ruột đỏ thắm - Ảnh minh họa: Internet
Tuy nhiên, nếu dưa già quá thì ruột bị xốp, nên cần chú ý thêm yếu tố hình dáng: Quả dưa phải tròn trịa, dùng một bàn tay nâng lên, phỏng đoán trọng lượng, dùng tay búng nhẹ lên vỏ nếu phát ra tiếng trầm đục là quả ngon, ngược lại là dưa có ruột xốp hoặc rỗng do để lâu ngày.
Cam và quýt
Cam, quýt nên chọn quả tròn đều, da bóng láng không có đốm hoặc sẹo. Quả chín có vỏ xanh ửng vàng đều là chín cây, loại chín ép để vài ngày vỏ vẫn xanh nhưng màu vàng của trái chín sẽ ửng không đều và không còn cuống lá.
Không nên chọn trái có màu vàng tươi đã rụng cuống, có thể màu vàng tươi đó là chín do sâu hại, ong chích, cây bị suy kiệt… khiến trái rụng trong vườn. Nên chọn quả có màu vàng mỡ gà (chiếm ít nhất 1/3 trái), da bóng láng, có đốm thâm lộ ra, vỏ mỏng… - Ảnh minh họa: Internet
Bưởi
Trước tiên cầm quả bưởi lên và ước chừng trọng lượng, búng tay vào bưởi phải có tiếng kêu chắc, nặng. Quả phải tươi, vừa chín tới, không bị móp, bị rám, xước vỏ. Muốn chọn quả tép to, mọng nước, ngọt ngon nên chọn loại có vỏ sáng bóng, trái tròn to, cầm thấy nặng tay. Trên vỏ bưởi thường có những nốt gai nhỏ, quả nào có gai càng to càng ngon.
Nên chọn quả nặng trung bình 1 – 1,5kg, da láng, màu xanh vỏ hơi ngả vàng, trái nhỏ nhưng nặng. Không nên chọn quả có da nhăn nhúm, xanh đậm, nhẹ - Ảnh minh họa: Internet
Xoài
Chọn xoài có da căng bóng, màu vàng sáng, không lấy quả da thâm đen, vỏ nhăn, nhũn. Khúc đầu của quả xoài chín vàng và cứng, trên bụng xoài phía dưới cùng chót đuôi có một chiếc mắt nhỏ, mắt nhỏ là xoài hạt nhỏ.
Chọn quả có màu vàng sậm, có vết thâm li ti đều trên trái, da căng láng, phần đầu không bị teo hoặc nhăn (do hái trái chưa già), ngửi có mùi thơm ngọt đậm - Ảnh minh họa: Internet
Đu đủ
Khi chọn mua đu đủ, nên chọn mua những trái màu vàng, có đốm nhỏ xanh li ti và dáng thon dài. Phần núm có màu vàng là chín tự nhiên, ngược lại những quả có núm màu xanh dù xung quanh đã chín vàng tức là chín ép, không tốt cho sức khỏe.
Quả ngon sẽ có mùi thơm nhè nhẹ và không gắt. Lúc mua nên dùng tay ấn nhẹ lên vỏ ngoài, nếu thấy vỏ mềm thì đây là chín tự nhiên, còn vỏ cứng dù đã ngả vàng là chín ép, bị tiêm thuốc - Ảnh minh họa: Internet
Chuối
Chuối là một trong những loại quả thường bị người bán hàng ngâm hóa chất để nhanh chín, vỏ bóng và có vẻ ngoài đẹp mắt. Quả chuối bị ngâm thuốc sẽ có màu vàng bóng, đẹp mắt, có lớp bột bám bên ngoài, phần cuống vẫn còn xanh, lõi ruột có màu đen và ăn phần đầu sượng.
Quả chuối chín ép bằng hóa chất thì cuống vẫn có màu xanh, thân cứng nhưng ngoài vỏ đã nhuộm vàng. Khi bóc vỏ ra ăn, thịt chuối vẫn sượng - Ảnh minh họa: Internet
Phật thủ
Nên chọn quả có mùi thơm giống như chanh tươi, nhìn rắn chắc, vỏ tươi sáng, có nhiều ngón tay dài và móng nhọn, đừng chọn những quả có đốm mềm và ngón tay khập khiễng.
Để giữ cho phật thủ tươi lâu, khi mua về nên lau sạch bằng rượu trắng, cẩn thận đừng để bị trầy xước sẽ rất dễ làm trái nhanh hỏng - Ảnh minh họa: Internet
Thanh long
Thanh long thường được nhiều gia đình chọn lựa bày mâm ngũ quả không chỉ bởi màu sắc đẹp mà nó còn thể hiện sự no đủ, sung túc của năm mới.
Muốn thanh long để lâu, không bị héo, nên chọn quả có vỏ bóng đỏ sậm và mỏng, không có quá nhiều chồi lá mọc lên, những quả thanh long này vừa ngọt, nhiều nước, ăn ngon lại để được lâu - Ảnh minh họa: Internet
Mâm ngũ quả sẽ làm quang cảnh ngày Tết và không gian thờ cúng thêm phần ấm áp, rực rỡ mà hài hoà. Nó thể hiện sinh động ý tưởng triết lý – tín ngưỡng – thẩm mỹ ngày Tết. Tìm hiểu về ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết cũng là tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, truyền thống tốt đẹp mà tổ tiên chúng ta để lại.
*Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.