Dân gian vẫn có câu “Đi lễ cả năm không bằng ngày rằm tháng 7”. Chỉ nghe vậy thôi cũng đủ để chúng ta hiểu phần nào mức độ quan trọng của ngày này. Đây được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Rằm tháng 7 là ngày gì?
Năm nay, rằm tháng 7 sẽ rơi vào ngày mùng 5/9/2017. Miền Bắc vẫn quen gọi ngày này là ngày “xá tội vong nhân” cúng các chúng sinh không nhà không cửa. Trong khi đó, người miền Nam lại gọi đây là ngày lễ Vu lan để con cái báo hiếu cha mẹ. Tuy nhiên, hai ngày này hoàn toàn khác nhau nhưng thường được tổ chức chung vào một ngày là ngày 15 tháng 7 âm lịch.
Ngoài hai cách gọi trên thì rằm tháng 7 còn được gọi là “tháng cô hồn” hoặc “mở cửa mả”. Tháng này là tháng của ma quỷ khi Diêm Vương sẽ mở cửa Qủy Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương thế, đây cũng chính là ngày “âm khí xung thiên” nên được cho là sẽ không thuận lợi để dựng vợ gả chồng hay làm việc đại sự.
Ở Việt Nam, cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống. Người Việt cho rằng con người bao gồm hai phần là phần hồn và phần xác. Con người dù có từ giã cõi đời nhưng hồn vẫn tồn tại, có người bị đày xuống địa ngục, bị làm ma quỷ lưu lạc nơi dương thế, có người lại được đầu thai kiếp khác với cuộc sống an nhàn. Chính vì vậy, ngày cúng cô hồn được hình thành nhằm mục đích cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không có ai là nhân thân trên trần gian cúng bái.
Ngày rằm tháng 7 cũng được xem là ngày lễ Vu lan, lễ Báo hiếu và là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Ngày lễ này gắn liền với tích về mục Kiền Liên (Có tài liệu ghi là La Bộc), một trong số ít đệ tử xuất chúng của Đức Phât. Mặc dù là người tinh thông mọi thứ nhưng chưa bao giờ ngài quên nghĩa vụ của mình đối với cha mẹ. Một lần dùng tuệ nhãn quan sát bốn phương tám hướng, ngài bỗng thấy mẹ mình đang chịu cảnh tội đồ trong ngục, khổ đau khôn xiết. Dù biết đó là điều mẹ phải chịu đựng sau những tội ác mình đã gây nên nhưng ngài vẫn không khỏi lòng thương xót. Sau một lần mang cơm cho mẹ không thành, ngài đã cầu xin Đức Phật giúp đỡ, những mong có thể cứu vớt mẹ ra khỏi cảnh đọa đày. Tuy nhiên, Đức Phật chỉ có thể giúp ngài bằng việc định ra ngày rằm tháng bảy để chú nguyện cầu cho mẹ siêu thoát vì tội ác của mẹ ngài quá nặng”. Kể từ đó, noi gương hiếu đễ của Tôn giả Mục Kiền Liên, dân gian khắp nơi lại tưng bừng tổ chức ngày lễ Vu lan để báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Rằm tháng 7 có ý nghĩa gì?
Như trên đã nhấn mạnh, rằm tháng 7 có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống của người Việt từ xưa đến nay. Không chỉ để làm phúc bố thí, ban phước cho các cô hồn chưa được siêu thoát còn lảng vảng trên trần gian, ngày rằm tháng 7 còn là dịp để nhắc nhở thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới ông ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông, bà, cha mẹ. Chúng ta được sinh ra, được ăn no, mặc ấm, được tự do làm những điều gì mình thích, được bay nhảy khắp nơi, tất cả đều là sự hy sinh âm thầm của cha mẹ. Công lao ấy không thể nào cân, đo, đong, đếm được và cũng không thể kể hết bằng lời.
Thế nên, ngày rằm tháng 7 năm nay, hãy dành thời gian ở bên cạnh ông bà, cha mẹ và tận hưởng khoảnh khắc được ở bên cạnh gia đình của mình. Hãy trao cho nhau những lời yêu thương chân thành và vun đắp cho cuộc sống gia đình thêm hạnh phúc, bền vững.