Sáng 28/1, Bộ Y tế xác nhận 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng sau 57 ngày không ghi nhận ca mắc. Đó là nam nhân viên cảng hàng không Vân Đồn và một nữ công nhân ở Hải Dương.
Trước diễn biến của dịch bệnh, tại cuộc họp khẩn tối 27/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã yêu cầu: "Do thời điểm cận kề với Tết Nguyên đán nên việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch phải cao hơn một cấp. Hải Dương phải tự đặt trong tình trạng như Đà Nẵng trước đây. Bộ Y tế sẽ chi viện tối đa, tuy nhiên Hải Dương phải tập trung cao độ, làm sao để trong 10 ngày phải khoanh vùng triệt để".
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, do ca bệnh ở Hải Dương có liên quan tới ca nhiễm SARS-CoV-2 chủng mới theo thông tin của phía Nhật Bản, nên cần đặc biệt cẩn trọng, đảm bảo an toàn tối đa cho lực lượng phòng, chống dịch.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần thực hiện truy vết tới tận F3, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và thường xuyên báo cáo tình hình, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Sáng sớm nay (28/1), trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho rằng, trong bối cảnh xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng như hiện nay, khi chưa xác định chắc chắn được nguồn lây (F0) thì việc giám sát trong cộng đồng, tăng cường xét nghiệm, mở rộng đối tượng xét nghiệm nhằm phát hiện những trường hợp dương tính là việc cấp bách.
Theo ông Phu, chủng mới có tính chất lây lan mạnh, tuy nhiên để xác định được có nhiễm chủng mới hay không thì cần phải giải trình tự gen.
“Với ca đi Nhật đã xác định được chính xác (do phía Nhật đã giải trình tự) nhiễm SARS-CoV-2 chủng mới, còn với ca ở Quảng Ninh thì chưa”, ông Phu thông tin.
Trong thời điểm hiện nay, nhất là thời điểm Tết cận kề, việc đi lại, nhu cầu giao lưu, tham dự các lễ hội tăng cao, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân cần tăng cường phòng bệnh; thực hiện đúng theo nguyên tắc 5K.
“Bởi nguồn bệnh lẩn khuất - có những trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng, do đó khó xác định nguồn lây, đặc biệt chỗ đông người, giao lưu đi lại lớn, nguy cơ lây nhiễm cao”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Cùng về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh: cần khởi động lại các hoạt động phòng chống dịch như đã từng làm khi xuất hiện các ca lây nhiễm ở Đà Nẵng.
Đối với người dân, theo ông Nga, nên hạn chế đi lại, tiếp xúc. “Tốt nhất là không đi nếu không cần thiết”, ông Nga nhấn mạnh.
Nguyên tắc phòng dịch 5K gồm: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế”.
KHẨU TRANG: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
KHOẢNG CÁCH: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
KHÔNG TỤ TẬP đông người.
KHAI BÁO Y TẾ: thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vnđể được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.