Suốt những năm cuối thập niên 90, đầu 2000 Xuân Hinh là cái tên thống trị cả thị trường hài đất Bắc. Ông là một trong số ít nghệ sĩ miền Bắc thành công về mặt băng đĩa, được mệnh danh là "ông vua băng đĩa" vì các băng hài của ông bán rất chạy. Thời điểm ấy, hầu như nhà nào cũng mua băng đĩa Xuân Hinh về xem.
Năm 1988 đánh dấu thành công đầu tiên của Xuân Hinh khi tham gia diễn tiết mục nổi tiếng hề Cu Sứt trong Festival Cười, biểu diễn 2 tháng tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, được khán giả cổ vũ nhiệt liệt.
Từ thành công đó, Xuân Hinh tiếp tục dấn thân vào sân khấu chèo, hài kịch và gặt hái nhiều thành tích vang dội với một loạt tiết mục như Thầy bói đi chợ, Hề gậy theo thầy, Hề mồi đấu đá, Thị Mầu lên chùa, Người ngựa - Ngựa người, Chồng rượu vợ đề… Hay một loạt tiểu phẩm khán giả không thể không nhớ: Xuân Hinh đi hỏi vợ, Xuân Hinh đi khám bệnh, Xuân Hinh đi hát karaoke, Xuân Hinh luyện thi hoa hậu…
Xuân Hinh cũng là một trường hợp đặc biệt trong giới nghệ sĩ. Anh hầu như không tham gia gameshow, talkshow, hiếm khi lên truyền hình và không diễn xuất phim ảnh. Ngay cả trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, Xuân Hinh cũng đứng ngoài cuộc và tới gần đây mới phát triển kênh Youtube, Tiktok cho riêng mình.
Vậy nhưng, tên tuổi Xuân Hinh chưa bao giờ giảm sức hút trong suốt hơn 40 năm sự nghiệp. Đến hiện tại, dù đã ở tuổi ngoài 60 nhưng Xuân Hinh vẫn là một trong những cái tên thu hút nhiều lượt xem và chiếm được tình cảm của khán giả khắp cả nước.
Xuân Hinh chưa bao giờ nhận mình là nghệ sĩ hài, chỉ dám nhận là một hề chèo (loại hình nghệ thuật đã đào tạo và nuôi dưỡng tài năng cho anh). Có lẽ vì vậy mà lối diễn hài của Xuân Hinh mang đậm tính dân gian. Với Xuân Hinh, chính cái tục (trong chừng mực) lại là phương tiện nghệ thuật giúp anh diễn hài gần gũi với đời sống khán giả hơn, nhưng không kém phầm duyên dáng, tinh tế. Sự gần gũi, dân dã này càng tăng thêm sức lôi cuốn của Xuân Hinh với khán giả.
Thậm chí, đến cái chửi của Xuân Hinh cũng là một nghệ thuật, chửi có vần có điệu, chửi trầm chửi bổng, nhịp nhàng, ngôn từ đa dạng, bay bổng mà không quá tục tĩu. Chính NSND Hồng Vân từng thừa nhận, cô học được cách chửi của Xuân Hinh để đưa lên sân khấu kịch, khiến các học trò tấm tắc khen. Nhiều bài chửi của Xuân Hinh trong hài kịch còn nổi tiếng trong suốt một thời gian.
Hài của Xuân Hinh đạt đến cái hài trong mỹ học, không phải tiếng cười vô thưởng vô phạt kiểu hề kịch mà là tiếng cười có giá trị phê phán, châm biếm, được xây dựng nhờ nghệ thuật trào phúng, trong cái hài có cái bi, cái bi toát lên từ cái hài, giàu giá trị suy ngẫm.
Chính những vở hài kịch này đã để lại ấn tượng sâu đậm về Xuân Hinh trong lòng khán giả. Bản thân Xuân Hinh từng thừa nhận, vở Người ngựa ngựa người đã giúp anh đi diễn khắp nơi, kiếm nhiều tiền để xây dựng cơ ngơi hiện tại.
Thời gian gần đây, danh hài Xuân Hinh đã chia sẻ nhiều hình ảnh về khu Linh từ Uống nước nhớ nguồn và Bảo tàng Đạo Mẫu của anh ở Sóc Sơn, với diện tích lên đến 5000m2, khiến ai cũng trầm trồ.
Toàn bộ tường vào được Xuân Hinh lắp bằng gạch thất (một loại gạch cổ). Anh cho biết, mình phải đi sưu tầm 1 triệu viên gạch thất làm bằng tay để gợi nhớ quá khứ. Ngoài gạch thất, Xuân Hinh còn dùng 5 triệu viên ngói để lắp thành tường, tạo phong cách độc đáo. Kiến trúc nơi đây được thiết kế cân bằng âm dương, giao hòa trời đất.
Ở gian đón khách trước bảo tàng, Xuân Hinh trưng bày chiếc xích lô gắn liền với mình trong vở Người ngựa ngựa người. Nam danh hài tiết lộ, nhờ vở diễn này mà anh kiếm được nhiều tiền, góp lại xây nên khu Linh từ. Phía sau bày sập gụ gỗ cổ để ngồi hát ca trù, chầu văn. Bên trong bảo tàng là hàng loạt đồ gỗ cổ theo phong cách Bắc Bộ. Ngoài ra còn có cả tranh Hàng Trống, tranh tứ phủ, máy quay sợi cổ…
Trong khuôn viên, Xuân Hinh trồng nhiều cây cổ thụ có tuổi đời lên đến 50, 60 năm tuổi. Anh cũng trồng cả một loại cây leo hơn 20 năm tuổi để bám vào tường, tạo rêu phong cổ kính. Ngoài ra là nhiều loại cây quen thuộc, gắn với không gian làng cổ Bắc Bộ cùng nhiều loại hoa.
Với mong muốn xây dựng theo hướng làng cổ Bắc Bộ nên Xuân Hinh cho làm cả một ao nước lớn bằng gạch thất, xung quanh xếp chum cổ mua từ Bắc Ninh. Nam danh hài tiết lộ anh sắp mua cả thuyền quan họ thả vào ao.
Khu này được Xuân Hinh bài trí theo các sự tích dân gian. Trong đó có cây cau lớn cuốn trầu và nhiều bình vôi cổ phía dưới, lấy cảm hứng từ sự tích trầu cau. Trong khuôn viên có một thư viện lớn, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống qua tượng, tranh, sách báo, tài liệu, nhạc cụ cổ. Xuân Hinh cho biết, các tài liệu này ghi lại toàn bộ về hát văn, chèo, ca dao tục ngữ, đạo Mẫu…
Bên cạnh thư viện là gian thờ Mẫu, nơi thờ phượng các vị Mẫu, Bà Chúa, Quan Lớn, Tướng, Công Chúa, Hoàng Tử và các vị Thánh trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Bao quanh là con suối uốn lượn, nước trôi lững lờ rất hợp phong thủy. Nam danh hài trồng nhiều tre trúc để tạo phong cảnh hữu tình.