Xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị dì ghẻ bạo hành đến chết
Theo dự kiến, ngày 21/7, Tòa án Nhân dân TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, quê Gia Lai) về tội Giết người và Hành hạ người khác. Trang là bị cáo trong vụ bạo hành bé V.A (8 tuổi), con riêng của chồng đến tử vong. Tuy nhiên, phiên tòa sẽ được xử kín, điều này khiến dư luận không khỏi thắc mắc.
Giải đáp băn khoăn đó, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường giải thích, vụ án bé gái 8 tuổi bị dì ghẻ bạo hành tử vong tòa án có thể xét xử kín nếu gia đình nạn nhân có yêu cầu hoặc tòa án xét thấy cần phải thực hiện để đảm bảo bí mật đời tư cá nhân, bảo vệ trẻ em theo quy định pháp luật. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định hoạt động tố tụng của tòa án là xét xử công khai.
Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án sẽ quyết định xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai. Nội dung này được quy định trong hiến pháp năm 2013.
Đáng chú ý theo luật sư Cường, vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành thuộc trường hợp, những vụ án có đương sự là người dưới 18 tuổi. Đối với vụ án này, tòa án sẽ xem xét bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi.
"Theo đó, người dưới 18 tuổi trong vụ án có thể là người bị hại hoặc bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Những vụ án hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, hành hạ, làm nhục, giết người... mà bị cáo hoặc bị hại là người dưới 18 tuổi, trong hồ sơ vụ án và các tình tiết trong vụ án có thể tiết lộ những thông tin nhân thân, những hình ảnh, tình huống, sự kiện ghê rợn, tàn nhẫn đối với nạn nhân khiến người khác kinh hãi", tiến sĩ luật Đặng Văn Cường thông tin.
Do đó, luật sư Cường cho biết, vụ bé gái 8 tuổi bị dì ghẻ bạo hành sẽ có rất nhiều đoạn clip có thể được trình chiếu công khai, ảnh tử thi, những lời khai về hành vi bạo hành... có thể khiến người thân, gia đình nạn nhân bị sốc, đau khổ, sợ hãi. Những hình ảnh đó nếu bị truyền tải công khai trên công luận cũng sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ em và các bậc phụ huynh.
"Bởi vậy việc quy định xét xử kín đối với vụ án hình sự có người bị hại là trẻ em bị bạo hành đến chết như thế này là cần thiết", luật sư Cường khẳng định.
Có nên xử kín hay không?
Việc xét xử công khai hay xét xử kín theo luật sư Cường là sẽ được quyết định trong nội dung quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc hội đồng xét xử có thể thay đổi ngay tại phiên tòa. Trong trường hợp cần phải xét xử kín thì trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa án cũng sẽ ghi rõ hình thức xét xử là xét xử kín hay công khai. Trường hợp tòa án quyết định xét xử công khai hoặc có ý định xét xử công khai nhưng đương sự thấy rằng có căn cứ theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự về việc xét xử kín thì có thể làm đơn trình bày, đề nghị gửi đến tòa án để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Khi tòa án quyết định xét xử kín thì chỉ có những người có giấy triệu tập mới được tham dự phiên tòa. Các cơ quan báo chí không được phép đưa tin về diễn biến phiên tòa tuy nhiên có thể đưa tin về phần thủ tục và kết quả phiên tòa.
"Pháp luật quy định, khi tòa án quyết định xét xử kín thì các tình tiết, diễn biến của phiên tòa không được phép công khai, những người không được triệu tập thì sẽ không được chứng kiến diễn biến phiên tòa. Tuy nhiên khi tòa án tuyên án thì nội dung bản án sẽ phải công khai và tất cả các đương sự, những người dân và các cơ quan truyền thông đều có quyền được biết kết quả của vụ án thông qua hoạt động tuyên án công khai theo quy định pháp luật", luật sư thông tin thêm.
Trở lại với vụ án này, luật sư cho rằng có thể trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, đại diện người bị hại đã có đơn đề nghị tòa án xét xử kín để bảo vệ người dưới 18 tuổi, giữ bí mật đời tư của cháu bé và những người thân trong gia đình cháu bé theo quy định của pháp luật.
"Theo quan điểm cá nhân tôi thì đối với vụ án này, việc xét xử kín là hợp lý. Đại diện gia đình người bị hại, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại có mặt tại phiên tòa phải có mặt sự giám sát của đại diện viện kiểm sát là những yếu tố để đảm bảo vụ án được giải quyết khách quan, công bằng, đúng pháp luật. Ngoài ra quy định về tuyên án công khai, kết quả giải quyết vụ án về tội danh, về mức hình phạt đối với các bị cáo sẽ được công chúng tiếp cận, đánh giá, giám sát hoạt động tố tụng của tòa án", luật sư Cường nhận định.
Đồng thời, luật sư Cường cho rằng, hình thức xét xử kín hay công khai đối với phiên tòa hình sự sẽ có tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với hoạt động tư pháp nói riêng, đối với cộng đồng xã hội nói chung. Mục đích cuối cùng của hoạt động xét xử là để xác định sự thật, xử lý đối với người phạm tội, tuyên truyền giáo dục pháp luật, duy trì ổn định, trật tự xã hội, cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật để thực hiện các giải pháp đấu tranh phòng và chống tội phạm.