Dữ liệu từ Oilprice cho thấy, thời điểm 7h ngày 14/8 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao dịch ở mức 92,09 USD/thùng, giảm 2,25 USD, tương đương 2,3%. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao dịch ở mức 98,15 USD/thùng, giảm 1,4%, tương đương 1,4 USD.
Theo giới phân tích, giá dầu biến động giảm mạnh trong phiên cuối tuần do lo ngại gián đoạn nguồn cung. Ngày 11/8, đoạn đường ống dẫn dầu của Shell ngoài vịnh Mexico bị hư hỏng nặng khiến 3 khoan dầu trong khu vực này (được thiết kế để sản xuất tổng cộng 410.000 thùng/ngày) buộc gián đoạn sản xuất.
Chia sẻ với VTC News, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho rằng, giá dầu thế giới là cơ sở để nhà quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Khi giá dầu thế giới giảm, giá xăng dầu trong nước cũng giảm theo và nước lại.
“Do đó, nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm, chắc chắn giá xăng dầu trong nước sẽ có lần giảm thứ 6 liên tiếp. Mức giảm tùy thuộc tình hình biến động giá thế giới những ngày tới và điều hành quỹ Bình ổn giá (BOG)”, vị này cho biết.
Hiện, giá bán các mặt hàng xăng dầu trên thị trường với E5 RON92 là 23.725 đồng/lít, xăng RON95 là 24.669 đồng/lít; trong khi dầu diesel là 22.908 đồng/lít, dầu hỏa là 23.320 đồng/lít, dầu mazut là 16.548 đồng/kg. Mức giá này so cùng thời điểm này năm ngoái, cao hơn khoảng 3.000 đồng/lít với xăng và cao hơn 6.500 đồng/lít với dầu diesel.
Trong các kỳ điều hành gần đây, cơ quan quản lý đã chi sử dụng Quỹ bình ổn giá cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi 100-1.500 đồng/lít. Tuy nhiên, trong kỳ điều chỉnh ngày 11/8, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã không chi, nhưng lại thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 ở mức 700 đồng/lít, với xăng RON 95 ở mức 750 đồng/lít.
Liên quan câu chuyện điều hành giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh, cho rằng, đã đến lúc tính toán thời điểm cụ thể để trả giá xăng dầu về thị trường. Hiện giá dầu thế giới biến động tăng từng ngày nhưng việc điều hành giá trong nước lại đang được thực hiện 10 ngày một lần, khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục thua lỗ. Việc chưa để giá xăng dầu do thị trường quyết định cũng khiến việc quản lý thị trường này thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao nhất.
“Nhà nước nên kiểm soát bằng các công cụ như thuế, phí… chứ không nên điều hành giá theo kỳ như hiện nay”, TS Trinh nói và cho biết khi giá xăng được “thả nổi”, tự động thị trường sẽ hình thành nhiều mức giá cao, thấp khác nhau và vận hành trơn tru, ổn định.
Vẫn theo ông Trinh, chúng ta đã có quy định pháp luật về cạnh tranh, về giá… nên không lo việc “thả nổi” giá xăng dầu thì không quản lý được thị trường này. Trái lại, khi thị trường được tự do sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào thị trường.
“Thực tế chứng minh càng có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, người dân sẽ càng được lựa chọn dịch vụ tốt và giá rẻ nhất. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy hạ giá thành, giá bán lẻ, chứ không phải sẽ rơi vào hỗn loạn hay tăng giá”, ông Trinh nhận xét.
Tuy vậy, chuyên gia cũng cho rằng việc thả nổi xăng dầu khó thực hiện ngay được do thị trường còn nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước vẫn nắm thị phần chi phối.