Theo vị này, thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thống kê các thiệt hại của người dân ở tiểu khu 1535 trong những đợt “cưỡng chế” trước đó mà Công ty Long Sơn tự ý thực hiện.
Công an tỉnh cũng đang xác minh, xử lý các hành vi để mất rừng (theo thống kê, Công ty Long Sơn để mất hơn 501ha/507ha rừng được giao quản lý, bảo vệ - PV) mà doanh nghiệp này gây ra trong thời gian dài.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cũng đã mời ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, giám đốc Công ty Long Sơn, đến làm việc về các vấn đề liên quan.
Vị lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Nông cho rằng hành vi tự ý san ủi tài sản người dân trên phần đất đang tranh chấp của Công ty Long Sơn là vi phạm pháp luật.
Tỉnh ủy thống nhất đề nghị Bộ Công an xem xét các hành vi vi phạm để xử lý nghiêm, đủ căn cứ thì khởi tố hành vi hủy hoại tài sản công dân của doanh nghiệp này.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, khoảng 8g sáng 23-10 hơn 20 công nhân, bảo vệ của Công ty Long Sơn với khiên đỡ, gậy gộc, dao rựa đã đến khu vực đất của gia đình ông Hoàng Văn Thắng (tiểu khu 1535) dùng máy san ủi vườn điều.
Tại đây, hai bên xảy ra xô xát và một số người dân dùng súng tự chế bắn vào nhóm công nhân khiến 3 người chết tại chỗ, 16 người bị thương.