Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bác sĩ chuyên khoa 2, Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM), cho biết nếu trẻ sử dụng ma túy hoặc các chất gây nghiện trước mắt sẽ gây ngộ độc với các biểu hiện như ngưng thở, co giật, tổn thương gan thận, rối loạn ý thức.
Về lâu dài ảnh hưởng đến phát triển thần kinh, tâm thần vận động, tâm lý, rối loạn nhân cách. Thậm chí, gây hệ lụy nặng nề về thể chất, tinh thần cá nhân và xã hội.
"Thần kinh của trẻ yếu nếu sử dụng thì ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ, gây ngộ độc như rối loạn tiêu hóa (trướng bụng, khó tiêu…), rối loạn ý thức, rối loạn vận động, tổn thương gan thận, suy hô hấp,… Theo thời gian sẽ chuyển qua mạn tính với các triệu chứng nghiện như chảy nước bọt, quấy khóc... đưa đến hậu quả còn trầm trọng hơn là đối với người lớn" – bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Tiến, tùy theo cơ địa mỗi trẻ và liều lượng sẽ gây ra các triệu chứng trước mắt và lâu dài. Có trẻ 3 lần, 5 lần nhưng cũng có trẻ chỉ sau 1 lần là đã gây nghiện.
Để xác định được mức độ ảnh hưởng của trẻ bởi các chất gây nghiện, bác sĩ Tiến cho rằng cần phải có sự phối hợp với gia đình và y tế để đánh giá về thần kinh, tâm lý, cơ quan thực thể có tổn thương hay không. Với trẻ lớn hơn thì cần có thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng cộng đồng như nhà trường, đơn vị cai nghiện tại địa phương.
"Cần có sự phối hợp của các đơn vị để giúp trẻ quay trở lại cuộc sống bình thường bằng can thiệp, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng,… Nếu trẻ nhỏ nghiện thì cần điều trị triệu chứng hỗ trợ giúp trẻ cắt cơn nghiện chứ không giống như người lớn có thể dùng các biện pháp với các thuốc tương tự" – bác sĩ Tiến nói.