Dẫn theo thông tin từ báo Sức khỏe & Đời sống, liên quan đến vụ suất cơm bình dân giá 160.000 đồng ở ngõ 4 phố Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội), bà Bùi Thị Hằng Nga – Chủ tịch UBND phường Phương Mai (Đống Đa) cho biết, vào cuối tháng 6/2023, Đoàn kiểm tra của phường đã kiểm tra về ATTP theo kế hoạch đối với các quán ăn, cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, trong đó có quán cơm bình dân Hiếu.
Bà Nga cho biết trong quá trình kiểm tra, quán cơm này đã không cung cấp được cho Đoàn kiểm tra Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Phường đã cho quán thêm thời gian vài ngày để bổ sung giấy tờ vì có thể do hết hạn chưa kịp làm lại nên chủ không đệ trình đầy đủ được. Cơ quan chức năng hiện đang giao Công an phường xác minh làm rõ, nếu sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Vào thời điểm ăn trưa, từng đoàn người bước ra từ cổng sau Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Da liễu Trung ương vào ngõ 4 phố Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) - nơi có hoạt động buôn bán tấp nập với nhiều quán cơm bình dân, cửa hàng ăn uống, hàng tạp hóa cung cấp nhu yếu phẩm cho người đi viện và người chăm sóc bệnh nhân.
Chỉ cần đếm nhanh cũng thấy có tới hàng chục quán cơm bình dân ở đây. Môi trường tại các điểm buôn bán này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thức ăn không được che đậy kỹ càng, bị phơi ra trước mưa nắng, khói bụi, côn trùng, người bán hàng gắp thức ăn không đeo găng tay, thớt thái đồ sống và chín đều chung một chiếc...
Khảo sát các quán cơm bình dân tại đây, phóng viên không ghi nhận được các thông tin về đơn vị kinh doanh cũng như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.
Theo thông tin từ báo Dân Việt, về việc quán chưa niêm yết giá, ông Bùi Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND phường Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, việc niêm yết giá thì với quán cơm khó thực hiện vì phụ thuộc vào các món, số lượng cũng như món ăn theo mùa… Đối với quán cơm bình dân khách vào phải thoả thuận giá.
Bà Võ Thanh H. (chủ quán cơm) cho biết, trước đó một ngày bà đã lên Công an phường Phương Mai làm việc. Bà H. cho biết, thời điểm chiều ngày 4/7, bà đi vắng, nhân viên ở nhà bán cơm cho khách. Bà H. khẳng định suất cơm mình bán giá như vậy là "không chặt chém".
Chủ quán cơm này cũng cho hay, đã bán ở đây nhiều năm. Trước khi khách vào bàn ăn đều yêu cầu khách trả tiền trước. Bà H. đã trả lời với báo Dân Việt răng: "Nhân viên quán tôi kể lại là khách vào gọi cơm. Khi cắt sườn ra, nhân viên bảo khách là nếu nhiều sườn là nhiều tiền đó. Sau nhân viên báo 160.000 đồng, khách bê cơm vào bàn. Sau đó người này ra kêu đắt, làm ầm lên rồi nhân viên bỏ ra vài miếng thịt và thu giá 100.000 đồng. Suất cơm đến 16-17 miếng thịt chưa kể thịt băm, rau như vậy là không đắt".