Tuần qua, trên mạng xã hội chia sẻ bốn đoạn video ghi lại hình ảnh một phụ nữ lớn tuổi bên cạnh một gánh hàng rong, được cho là ở đường Quang Trung, ngay cạnh BV đa khoa tỉnh Khánh Hòa thuộc phường Lộc Thọ, TP Nha Trang.
Video được quay từ phía sau cho thấy sau khi khách ăn xong rời đi, người phụ nữ này nhìn quanh rồi đổ phần nước màu vàng vào nồi nước lèo đang bán. Hình ảnh trong video cũng thể hiện việc sau khi khách uống nước rời đi, người phụ nữ cầm chiếc ly nhựa đựng nước thừa đổ lại vào bình.
Sau khi đoạn video được chia sẻ rầm rộ, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự bức xúc, bất bình trước hành vi trên của người bán hàng.
Đừng xem thường sức khỏe người khác
Bạn đọc Phúc Thịnh chia sẻ: “Làm ăn buôn bán như vậy là không nên, nếu thật sự người bán có hành vi đổ thức ăn thừa vào nồi, bán lại thì sẽ có bao nhiêu vi khuẩn trong đó. Đây còn là khu vực trước cổng bệnh viện có nhiều người thăm, nuôi bệnh hoặc bệnh nhân ghé để ăn uống. Người bình thường ăn phải sẽ có nguy cơ mắc bệnh rất cao, huống chi các bệnh nhân sức khỏe không được tốt”.
Bạn đọc Quế Anh cũng bức xúc: “Ai cũng có hoàn cảnh khó khăn khác nhau nhưng không thể nào vì hoàn cảnh khó khăn, vì cái lợi trước mắt mà chấp nhận được hành vi buôn bán coi thường sức khỏe của người khác. Tôi không dám xem hết đoạn video này vì quá sợ và không dám tưởng tượng thêm nữa”.
“Tôi là người thích đi du lịch, một trong những sở thích của tôi là khám phá món ngon vật lạ từ các gánh hàng rong. Đây cũng là nét hấp dẫn rất riêng được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước thích khám phá. Mong rằng những người bán hàng nên có ý thức hơn, vì nếu khách du lịch e ngại vấn đề vệ sinh như báo chí đã nêu thì người bán sẽ chịu thiệt thòi mà thôi” - bạn đọc Thiện Mỹ.
Chế tài nghiêm khắc các hành vi vi phạm
Để hạn chế những hành vi gây ảnh hưởng như trên và bảo vệ văn hóa ẩm thực đường phố, vốn là một trong những nét hấp dẫn của du lịch Việt Nam, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền giáo dục về văn hóa ẩm thực đường phố, các quy chuẩn đạo đức kinh doanh, buôn bán cho người dân.
Cần có kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm thường xuyên, định kỳ và chế tài nghiêm khắc các hành vi vi phạm.
PGS-TS NGUYỄN NGỌC THƠ, Trưởng khoa Văn hóa học Trường ĐH KH-XH&NV TP.HCM
“Bản thân tôi cũng là người bán hàng rong nhưng tôi thật sự bức xúc với hành vi buôn bán như vậy. Người bán hàng rong ai cũng khó khăn nhưng buôn bán phải có cái tâm, nếu không thì người chịu thiệt đầu tiên là chính mình. Giờ sự việc bị phát hiện, chưa nói chính quyền sẽ xử phạt thế nào nhưng trước mắt, người này khó mà buôn bán lại rồi. Tôi nghĩ trường hợp này chỉ là cá biệt, mong chính quyền cũng nên xem xét hoàn cảnh của bà và có hướng xử lý, giúp đỡ phù hợp” - bạn đọc Kim Cúc.
Tăng cường quản lý thức ăn đường phố
Nhận định về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng khoa Văn hóa học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết hiện nay các trường hợp buôn bán không thật tình như thế này đã xảy ra nhiều, chỉ có điều trước đây mạng xã hội chưa phổ biến nên hiệu ứng lây lan hạn chế. Đây là một vài sự việc lẻ tẻ không mang tính đại diện, tuy nhiên nó vẫn làm ảnh hưởng đến những người buôn bán chân chính và cả nền ẩm thực đường phố. Một số người vì tư lợi trước mắt mà bất chấp nguyên tắc đạo đức buôn bán, vệ sinh an toàn thực phẩm, về lâu dài sẽ bị xã hội đào thải.
Cũng theo TS Nguyễn Ngọc Thơ,hiện nay chưa có quy chuẩn cụ thể để chế tài người buôn bán nhỏ lẻ, chỉ có quy ước đạo đức. Bởi số người buôn bán nhỏ lẻ rất đông, việc áp dụng các quy chuẩn khó lòng có hiệu quả. Vì thế qua sự việc này, những người buôn bán nhỏ lẻ chưa văn minh có dịp nhìn nhận lại mình, đồng thời nhận thức tốt hơn về chữ tín và có sự tôn trọng khách hàng trong buôn bán, dịch vụ.