Mới đây, MXH lan truyền hình ảnh MC Đức Bảo của VTV gắn với phát ngôn về chuyện con cái: "Nếu đứa con sinh ra để kế thừa sự vất vả nghèo khó của bạn, vậy không sinh con cũng là một loại lương thiện".
Ngay lập tức, phát ngôn này gây tranh cãi lớn trên mạng xã hội. Câu nói của MC Đức Bảo bị cho là "đụng chạm" tới những người nghèo khó, vất vả khiến họ chạnh lòng.
Sáng 14/1, MC Đức Bảo đã có phân trần rõ ràng và xin lỗi trên trang cá nhân. Anh khẳng định, câu nói trên không phải phát ngôn của cá nhân mình mà do ekip quản lý fanpage chia sẻ chủ yếu đăng các bài viết hài hước, đôi khi lồng một chút triết lý với mục đích đơn thuần là chia sẻ.
Theo anh, nội dung này như một lời nhắc về trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ, hãy mang con đến thế giới này khi đã suy nghĩ thấu đáo và có sự chuẩn bị tốt nhất trong khả năng có thể.
"Chắc chắn không ai muốn chứng kiến thêm những mảnh đời bị bỏ rơi, những em nhỏ thay vì được học tập, vui chơi lại bị ép lao động nặng nhọc trong những điều kiện tồi tàn nhất", Đức Bảo nêu quan điểm.
Nam MC cũng bày tỏ, bản thân không ngờ nội dung trên nhận được sự quan tâm lớn, đồng thời tiếc vì câu trích dẫn mình chia sẻ lại mang đến những hiểu lầm, tạo ra cảm xúc tiêu cực cho một số người.
"Cuối cùng thì lựa chọn ra sao vẫn là quyền tự do của mỗi người. Sinh con hay không sinh con, điều kiện thế nào là đủ hay chưa đủ, đều là suy nghĩ, quyết định rất riêng của mỗi cặp đôi, mỗi gia đình. Một lần nữa, rất xin lỗi mọi người vì những hiểu lầm, trải nghiệm không đáng có", anh bộc bạch.
Tuy nhiên, dù cho không phải phát ngôn do nam MC đưa ra, nhưng cũng khiến dư luận bức xúc, có ý kiến trái chiều.
Liên quan đến câu nói gây tranh cãi nói trên, dẫn từ Dân Trí, chị Trần Nhàn, 35 tuổi, làm bảo vệ tại một công ty ở Tân Phú, TPHCM cho biết, hai ngày qua chị bị cuốn vào cuộc tranh cãi "nghèo có nên sinh con".
Người mẹ hai con kể, chị làm bảo vệ, lương tháng 8 triệu đồng. Chồng chị làm việc tại một xưởng gia dụng với mức lương tương đương. Hai vợ chồng chị ở trọ, cuộc sống đơn giản và tằn tiện. Về kinh tế, chị tự nhận gia đình thuộc diện... nhà nghèo ở thành phố.
Cách đây hai năm, khi quyết định sinh con thứ 2, chị đã nghe không ít lời mỉa mai... "nghèo mà bày đặt đẻ nhiều", "nuôi một con cho tốt đi". Những nhận định đó khiến cặp bố mẹ nghèo tủi thân, dẫu rằng bao năm nuôi con đến nay anh chị chưa hề xin xỏ, vay mượn tiền bạc hay gây phiền hà đến ai.
Nuôi hai con với vợ chồng chị rõ ràng không dễ dàng gì nhưng cả hai vẫn làm việc, kiếm tiền bằng sức của mình, nuôi con bằng chính bàn tay lao động của mình. Gia đình có những niềm vui, hạnh phúc nhất định khi có hai con nhỏ.
"Bố mẹ không khá giả, con có những thiệt thòi nhất định nhưng tôi không nghĩ đó lại là lý do để chỉ trích việc người khác sinh con. Nhiều người không khổ vì nghèo mà có thể bị dằn vặt bởi những lời kết án như vậy", nữ bảo vệ trải lòng.
Về vấn đề này, trả lời trên Người Đưa Tin, bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng Cục Dân số Việt Nam (nay là Cục Dân số, Bộ Y tế) không đồng tình với quan điểm trên.
Theo ông Phương, đây là suy nghĩ hoàn toàn không mang tính tích cực. Trước giờ, việc lấy vợ - chồng, sinh con đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của một công dân Việt Nam. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều văn bản về Luật hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo hiểm xã hội, Pháp lệnh dân số….
Ông phân tích, thời gian vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, trong đó có quy định khuyến khích các cặp vợ chồng hãy sinh đủ 2 con và có nói rất rõ vợ chồng nên kết hôn trước 30 tuổi để có con đầu lòng, nên có con thứ 2 trước 35 tuổi để nuôi con khoẻ, dạy con ngoan và những lợi ích của việc sinh con cách nhau 5 năm.
"Đó là sự khuyến khích, quan điểm rất rõ của Đảng, Chính phủ và cơ quan chức năng. Chính vì vậy quan điểm như vậy hoàn toàn không đúng với tinh thần xây dựng, đi trái với đường lối của Đảng và Nhà nước”, ông Phương nhấn mạnh.
Ông Phương cho hay, việc sinh con hiện nay phải xác định đảm bảo về sức khoẻ, kinh tế. Nếu sinh con ra quá nhiều, quá dày, đẻ ra nuôi theo quan điểm "trời sinh voi sinh cỏ" thì hoàn toàn không đúng. Sinh con ra phải có trách nhiệm nuôi dạy nên người.
Từ xa xưa cha mẹ sinh con trong điều kiện rất khó khăn cả về kinh tế, nhận thức, hiểu biết, kinh nghiệm nhưng các cụ vẫn dạy những người con thành đạt, những người con khẳng định được thương hiệu, vị trí, là những công dân tốt xây dựng đất nước cho đến thời điểm hiện nay.
Cùng quan điểm, GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em nhấn mạnh, đây là quan điểm mang tính tiêu cực.
Ông Cử phân tích, việc sinh con là nhu cầu cá nhân cũng là trách nhiệm để bảo toàn nòi giống, làm cho đất nước phát triển. Nước ta hiện nay, có nhiều chính sách hiện nay tập trung hỗ trợ người nghèo, có văn bản quy phạm pháp luật văn bản quy phạm pháp luật: phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững…phần lớn tập trung hỗ trợ người nghèo.
Vậy nên chúng ta phải có trách nhiệm với bản thân, đất nước để duy trì nòi giống, làm cho dân số nước ta ổn định, không giảm sâu như một số nước trên thế giới hiện nay. Duy trì nòi giống cũng là sự phát triển bền vững của dân tộc.
“Chính con sinh ra là động lực để cha mẹ phát triển kinh tế và vì tương lai con em mình sẽ nỗ lực hơn, mang lại cho mình động lực phát triển hơn", ông Cử nói.
MC Đức Bảo sinh năm 1987 là gương mặt quen thuộc với khán giả qua các chương trình truyền hình như Chúng tôi là chiến sĩ, Cà phê sáng với VTV3...
Đức Bảo bén duyên nghề MC khi giành giải Nhất chương trình Én Vàng năm 2013. Năm 2022, Đức Bảo đoạt giải Biên tập viên dẫn chương trình ấn tượng tại Ấn tượng VTV. Anh cũng được chọn dẫn trong các sự kiện lớn như SEA Games 31, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, VietNam Idol 2023...