Theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua về vụ việc xảy ra ở bãi biển Cửa Lò, cá nhân tôi cho rằng hành vi của một số phụ nữ cởi áo ngực để làm dụng cụ tiếp nước (trò chơi múc nước biển lên bãi cát) là phản cảm, không hợp thuần phong mỹ tục.
Mỗi cá nhân có quyền tự do thực hiện hành vi theo ý chí của mình, tuy nhiên sự tự do xử sự này phải phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, phong tục, văn hóa dân tộc và phải đúng pháp luật.
Nét đẹp của người phụ nữ trong văn hóa người Việt thể hiện qua sự đoan trang, thanh lịch, cư xử chuẩn mực. Việc cởi áo ngực của một số phụ nữ ở bãi biển Cửa Lò có thể thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí nhất thời của cá nhân, song lại gây ra những tác động tiêu cực đến các giá trị xã hội.
Tuy nhiên, việc cơ quan chức năng xử phạt hành chính đối với người tổ chức sự kiện lại là khiên cưỡng.
Có gây phản cảm, nhưng xử phạt lại là chuyện khác
Như PLO đã đưa tin, vào chiều ngày 29-7, lãnh đạo UBND thị xã Cửa Lò, cho biết đã quyết định xử phạt 400.000 đồng đối với người tổ chức sự kiện trong vụ việc nhóm du khách chơi trò chơi và cởi áo ngực ra làm dụng cụ tiếp nước trên bãi biển Cửa Lò.
Việc xử phạt thực hiện theo điều 7, vi phạm quy định về trật tự công cộng tại Nghị định số 144/2021, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Liên quan đến quyết định xử phạt trên, có nhiều ý kiến cho rằng việc xử phạt là chưa đúng quy định pháp luật.
Để rộng đường dư luận, PLO xin giới thiệu nhận định của ThS Nguyễn Nhật Khanh, giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM về vụ việc này.
Cụ thể, liên quan đến vụ việc, cơ quan chức năng thị xã Cửa Lò cho rằng hiện nay chưa có chế tài để xử lý trường hợp khỏa thân nơi công cộng nên chưa có biện pháp xử lý về mặt pháp luật đối với nhóm du khách chơi trò chơi nêu trên. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND thị xã Cửa Lò lại cho rằng người tổ chức sự kiện có hành vi vi phạm là tổ chức trò chơi gây mất trật tự, ồn ào, ảnh hưởng đến trật tự công cộng nên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 400.000 đồng đối với người tổ chức sự kiện theo Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
Theo tôi, việc xử phạt như trên là khiên cưỡng, mang tính “gượng ép” vì bãi biển là nơi vui chơi, giải trí ngoài trời nên hoàn toàn có thể tổ chức các sự kiện tập trung đông người, có âm thanh lớn tiếng. Việc các đơn vị tổ chức sự kiện tổ chức các chương trình team building cho các đoàn du khách là điều diễn ra hoàn toàn bình thường lâu nay, điều này thậm chí được nhiều địa phương khuyến khích để thu hút du khách, phát triển du lịch của địa phương. Nếu không có sự kiện một số phụ nữ tham gia trò chơi tập thể cởi áo ngực ra làm dụng cụ tiếp nước gây bức xúc dư luận thì cơ quan chức năng thị xã Cửa Lò sẽ không xử phạt người tổ chức sự kiện.
Về nguyên tắc, trách nhiệm pháp lý mang tính cá thể, tức ai có vi phạm thì người đó bị xử lý, việc xử lý phải căn cứ vào các quy định pháp luật cụ thể. Vì vậy, tôi cho rằng không thể vì hành vi cởi áo ngực của một số phụ nữ mà lại xử phạt người tổ chức sự kiện là tổ chức trò chơi gây mất trật tự, ồn ào, ảnh hưởng đến trật tự công cộng (trừ khi chính người tổ chức sự kiện chủ động, cố tình đề xuất những người phụ nữ này làm như vậy).
Hành vi tự ý cởi áo ngực của một số người phụ nữ tại bãi biển Cửa Lò là hành vi bộc phát của cá nhân nên người tổ chức sự kiện không thể nào kiểm soát được. Nếu vì lý do này mà xử phạt thì bất cứ người tổ chức sự kiện nào cũng có thể bị xử phạt. Chẳng hạn, tại một lễ hội có du khách tự ý khỏa thân nên xử phạt ban tổ chức lễ hội. Đây là điều rất vô lý.
Hiện tại chưa có quy định cụ thể để xử lý hành vi tự ý khỏa thân nơi công cộng. Do đó, nếu các cơ quan nhà nước cho rằng hành vi này là vi phạm thì cần phải quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật thì mới có cơ sở xử lý trong tương lai.